Rút quân khỏi Syria và Afghanistan: Bước lùi hay chiến thắng của Mỹ?

.

Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra 2 quyết định: rút hết binh sĩ khỏi Syria và rút lượng lớn quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ông Trump đối mặt với sự chỉ trích ngay trong nội bộ chính phủ và đảng Cộng hòa; thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức.

Mỹ có thể rút 1/2 trong số 14.000 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan về nước.  Trong ảnh: Binh sĩ Mỹ tại căn cứ Shorab ở tỉnh Helmand của Afghanistan. 		        Ảnh: AP
Mỹ có thể rút 1/2 trong số 14.000 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan về nước. Trong ảnh: Binh sĩ Mỹ tại căn cứ Shorab ở tỉnh Helmand của Afghanistan. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố từ chức vào cuối tháng 2-2019 đánh dấu những bất đồng sâu sắc với Tổng thống Donald Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng ra lệnh rút hết binh sĩ khỏi Syria và rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan. Kiên quyết bảo vệ quyết định đột ngột của mình, Tổng thống Trump nói rằng, Mỹ không còn là “cảnh sát ở Trung Đông” và không cần 2.000 binh sĩ Mỹ ở Syria nữa sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại.

Song, việc Bộ trưởng Mattis rời Lầu Năm Góc không phải là điều bất ngờ, bởi trước đó vị tướng cuối cùng trong nội các đã có ít nhiều rạn nứt với Tổng thống. Ông Mattis từng khuyên “sếp” của mình rằng, sứ mệnh chống khủng bố ở Syria chưa hoàn thành và Mỹ nên giữ hiện diện quân sự tối thiểu ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ bỏ ngoài tai những lời khuyên của vị cố vấn 68 tuổi từng có ảnh hưởng nhất về chính sách đối ngoại đối với ông.

Các nghị sĩ Mỹ bày tỏ quan ngại về khả năng hồi sinh của IS ở Syria và việc Nhà Trắng mất đi “một nhân tố ổn định”. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner mô tả ông Mattis là “nền tảng ổn định giữa sự khủng hoảng trong chính phủ” và lo ngại về chính sách được ban hành do “những ý tưởng bất thường của Tổng thống”.

Không những thế, chỉ 1 ngày sau khi đưa ra tuyên bố gây sốc về việc quyết định rút hết binh sĩ khỏi Syria, ông Trump còn muốn rút phần lớn lực lượng ở Afghanistan về nước. Khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ đang chống lại Taliban ở Afghanistan và đây là một phần trong cuộc chiến kéo dài nhất của Washington, vốn được khơi mào nhằm trả đũa vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ phản đối việc rút quân bởi cho rằng mối đe dọa từ IS vẫn còn đó. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện nói: “Với các điều kiện ở Afghanistan vào lúc này, việc Mỹ rút quân là chiến lược rủi ro cao”. Theo Thượng nghị sĩ Jack Reed, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân lực Thượng viện, rút lực lượng Mỹ sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán với Taliban trong tiến trình hòa giải với chính phủ Kabul.

Taliban vốn đưa ra điều kiện chỉ tham gia hòa đàm với chính phủ Afghanistan sau khi binh lính nước ngoài rút khỏi quốc gia Nam Á này. Vì vậy, giới quan sát có lý để cho rằng, Tổng thống Trump rõ ràng đang đi bước lùi.

Tổng cộng 3 Tổng thống Mỹ (bao gồm ông G.W.Bush, Barack Obama và Donald Trump) lúc tại nhiệm đều cam kết mang lại hòa bình cho Afghanistan bằng cách bổ sung quân hoặc rút quân; bằng cách đàm phán với Taliban; và bằng cách chống lại tham nhũng đang lan rộng trong chính phủ Kabul. Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan vào năm 2014. Nhưng rồi, nhiều năm trôi qua, quân Mỹ và đồng minh vẫn lưu lại đất nước này.

Taliban hiện kiểm soát gần 1/2 lãnh thổ Afghanistan và mạnh hơn bao giờ hết so với thời điểm Mỹ tấn công nước này vào năm 2001. Bạo lực vẫn xảy ra hầu như mỗi ngày, chủ yếu nhằm vào lực lượng an ninh và các quan chức chính phủ Kabul. Vì vậy, các quan chức Mỹ lo ngại, việc rút binh sĩ trong năm nay có thể làm suy giảm triển vọng đàm phán hòa bình và khuyến khích Taliban chờ đợi khoảng trống sau khi lực lượng của cường quốc hàng đầu rời đi.

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và các lãnh đạo quân sự khác đã thuyết phục Tổng thống Trump nên duy trì lực lượng tại Afghanistan để gây áp lực với Taliban và chống lại IS. Các quan chức Mỹ giờ đây cho rằng, kế hoạch rút quân là yếu tố then chốt dẫn đến việc ông Mattis từ nhiệm.
Nhiều kịch bản có thể xảy ra tại Syria cũng như Afghanistan. Có thể có những xung đột giao thoa nhau như: cuộc đối đầu giữa chính phủ Damascus với các đối thủ khu vực, giữa chính phủ Damascus với khủng bố, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở Syria, giữa Taliban với chính phủ Kabul. Vì vậy, chưa thể khẳng định rút quân, đảo ngược chiến lược ở Trung Đông của Mỹ (kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở khu vực) là chiến thắng hay bước lùi của Tổng thống Trump khi ông được cho là đang nhượng bộ Taliban và đưa ra thông điệp hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng có thể nói, đây là một canh bạc nhiều rủi ro của ông chủ Nhà Trắng.

Chưa rõ bao nhiêu binh sĩ Mỹ sẽ rời Afghanistan. Báo Wall Street Journal cho biết, con số này có thể là 7.000 binh sĩ, tức 1/2 lực lượng Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan với sứ mệnh huấn luyện binh sĩ nước sở tại và chống lại các nhóm khủng bố, trong đó có IS.

Theo các nhà phân tích, quyết định của Tổng thống Donald Trump là động thái hiện thức hóa cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Lúc đó, ông Trump thường đặt vấn đề về sự liên quan của Mỹ ở Afghanistan. Có lúc, ông mô tả việc triển khai quân ở quốc gia Nam Á này và “sa lầy” trong cuộc chiến kéo dài là “sự lãng phí hoàn toàn”. Trước khi trở thành Tổng thống, ông Trump đã kêu gọi kết thúc cuộc chiến. Washington cũng tiêu tốn hơn 900 tỷ USD cho cuộc chiến 17 năm, làm khoảng 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.