Quốc tế

Vụ bắt Phó Chủ tịch Huawei: Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang?

08:08, 08/12/2018 (GMT+7)

Việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei, theo yêu cầu của Mỹ, đang gây ra những lùm xùm với phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Vụ việc được cho là có thể dẫn đến đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đi chệch hướng.

Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada và có thể bị dẫn độ đến Mỹ.                                 Ảnh: Reuters
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada và có thể bị dẫn độ đến Mỹ. Ảnh: Reuters

Là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu được xem là ứng viên hàng đầu kế nhiệm cha. Ngoài cương vị Phó Chủ tịch Huawei, bà còn là Giám đốc Tài chính (CFO) của “gã khổng lồ” về công nghệ này.

Bà bị bắt ở thành phố Vancouver (Canada) hôm 1-12, có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ trong lúc tập đoàn Huawei bị tình nghi hỗ trợ hoạt động gián điệp cho Trung Quốc và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bà có thể ra tòa tại Vancouver vào tối 7-12 (giờ địa phương) để được xem xét việc dẫn độ.

Hãng AFP cho rằng, vụ bắt “công chúa Huawei” và việc Mỹ đang muốn Canada dẫn độ bà có thể thổi bùng căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, hủy hoại thỏa thuận “đình chiến” thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được ở Buenos Aires (Argentina) tuần trước.

Trung Quốc đã yêu cầu làm sáng tỏ việc bắt giữ bà nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời đòi Canada thả người ngay lập tức. Nhật báo China Daily của Trung Quốc nhận định, vụ bắt giữ dường như là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự hiện diện của Huawei trên toàn cầu.

Ngày 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, Canada và Mỹ đều không cung cấp được chứng cứ cho thấy bà Mạnh đã vi phạm luật ở hai quốc gia này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, việc bắt bà Mạnh Vãn Chu không có động cơ chính trị. Theo một số nhà phân tích, “công chúa Huawei” vô hình trung trở thành công cụ mặc cả cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump bác bỏ bất kỳ liên quan nào giữa vụ này với đàm phán thương mại.

Theo AFP, mặc dù ngành công nghệ của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ như vi mạch, nhưng Bắc Kinh muốn trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ nhằm cạnh tranh với Washington. Đó là lý do hình thành kế hoạch quy mô lớn mang tên “Made in China 2025”. Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ hai (sau Samsung).

Sản phẩm của Huawei có mặt khắp nơi, cả châu Âu lẫn châu Phi. Trên mạng xã hội, người dân Trung Quốc cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại là Mỹ muốn tấn công ngành thương mại của Trung Quốc và cả kế hoạch “Made in China 2025”. Báo New York Times cũng nhận định, vụ bắt giữ bà Mạnh đáp ứng hàng loạt mục tiêu đối ngoại lớn của Tổng thống Trump, trong đó có “cuộc chiến” công nghệ và lệnh trừng phạt chống Iran.

Hồi đầu năm nay, ZTE - tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia của Trung Quốc - suýt sụp đổ khi đối mặt lệnh trừng phạt của Mỹ vì bị cáo buộc có các giao dịch thương mại với CHDCND Triều Tiên và Iran.

Washington đã cấm tất cả công ty Mỹ cung cấp thiết bị và linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm được dỡ bỏ sau khi ZTE nộp phạt 1 tỷ USD. Cố vấn chính sách của Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định với CNN: “Hai vấn đề này hoàn toàn tách biệt”. Tuy nhiên, CNN dẫn lời một quan chức khác giấu tên nói rằng, Mỹ xem vụ bắt giữ bà Mạnh là đòn bẩy trong đàm phán thương mại.

Chuyên gia Amanda DeBusk về thương mại quốc tế tại công ty luật Dechert LLP có trụ sở ở Pennsylvania (Mỹ) nhận định: “Vấn đề lớn hơn nhiều một cuộc tranh chấp thương mại”.

Hãng Reuters cho biết, Nhật Bản là nước mới nhất đóng cửa với Huawei khi lên kế hoạch cấm những thương vụ mua sắm của chính phủ liên quan các thiết bị viễn thông do hai tập đoàn Huawei và ZTE cung cấp.

Trước đó, Úc và New Zealand thông báo không cho phép các hãng viễn thông trong nước mua sắm thiết bị viễn thông của Huawei trong quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng mạng 5G. Tập đoàn BT của Anh cũng sẽ gỡ bỏ các thiết bị của Huawei khỏi hệ thống mạng di động 3G và 4G, cũng như không sử dụng các thiết bị này khi triển khai mạng 5G.

THIÊN BÌNH

.