Huawei vướng nhiều rào cản

.

Trong những năm gần đây, tập đoàn thiết bị mạng và viễn thông Huawei của Trung Quốc gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng thị trường do các nước lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng các thiết bị của tập đoàn này cho mục đích gián điệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét ban hành sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Huawei và cả tập đoàn ZTE cũng của Trung Quốc sản xuất. Trong lúc đó, nhiều quốc gia phương Tây ngày càng cảnh giác với những gì họ cho là có thể có sự tham gia của chính phủ Trung Quốc vào các hoạt động do thám qua mạng di động và các mạng viễn thông khác.

Nếu thông tin nói trên được xác nhận, đây sẽ là bước đi mới nhất của chính phủ Tổng thống Donald Trump nhằm loại Huawei và ZTE ra khỏi thị trường Mỹ trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết.

Các quan chức Mỹ cũng đã tiếp cận với các đối tác chính phủ, nhà điều hành viễn thông ở các nước đồng minh đang sử dụng rộng rãi thiết bị của Huawei và đưa ra những cảnh báo về rủi ro an ninh không gian mạng khi sử dụng thiết bị viễn thông của hãng này. Không những thế, Washington đang xem xét tăng viện trợ tài chính cho phát triển viễn thông ở các quốc gia tham gia chiến dịch tẩy chay thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất.

Vì thế, trong thời gian qua, nhiều nước như Anh, Đức, Nhật Bản, New Zealand, Canada… đã nói không với các hợp đồng cung cấp mạng 4G và 5G của Huawei và ZTE. Úc và New Zealand cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G tại các nước này. Đức đang xem xét hạn chế vai trò của Huawei trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trong tương lai. Trong lúc đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hungary chào đón sự xuất hiện của tập đoàn Trung Quốc.

Việc Ba Lan bắt giám đốc kinh doanh Huawei Vương Vĩ Tinh mới đây với cáo buộc gián điệp phần nào cho thấy sự chia rẽ của châu Âu trong chính sách đối với “gã viễn thông khổng lồ” của Trung Quốc và có thể càng làm dấy lên những quan ngại an ninh của phương Tây về tập đoàn này. Việc bắt giữ minh chứng Ba Lan ủng hộ lời kêu gọi từ Mỹ sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei, theo yêu cầu của Washington. Giám đốc An ninh mạng Ba Lan Karol Okonski nói rằng, Warsaw đang xem xét nghiêm túc về Huawei và đã tính tới khả năng loại trừ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi thị trường công nghệ thông tin của họ. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần thống nhất quan điểm về việc liệu có loại bỏ các thiết bị viễn thông của tập đoàn viễn thông Huawei ra khỏi thị trường của các nước thành viên hay không.

Những diễn trên cho thấy, nhiều quốc gia phương Tây đã nghi ngờ, cảnh giác và bắt đầu quay lưng với các thiết bị công nghệ, giải pháp của các tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông của Trung Quốc nói chung, Huawei nói riêng.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, việc nhiều nước tẩy chay Huawei là đòn mạnh giáng vào tập đoàn này, theo đó có thể dẫn tới việc phát triển thị trường bị suy giảm nhanh chóng trong thời gian đến. Song, chung quanh những lùm xùm này, giới phân tích hoài nghi Huawei là một ván cờ trong chiến thuật gây sức ép của Tổng thống Donald Trump nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc và hơn nữa là trong cuộc đua giành thị phần công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

TUYẾT MINH 

;
;
.
.
.
.
.