EU tìm cách đối phó với Trung Quốc

.

Với kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã nhanh chóng vươn tầm ra khắp các châu lục, kể cả những nơi được cho là trung tâm của tiềm lực kinh tế cũng như khoa học và công nghệ của thế giới trước đây. Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc tự tin nay là lúc họ có thể và phải lấy lại vị trí trung tâm mà nước này cho rằng đó là chính chỗ đứng của mình (?!).

Theo tạp chí L’Obs (Pháp) số ra mới đây, việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa sự thay đổi chiến lược đó. Trung Quốc mở rộng bá quyền không giới hạn ở vùng Biển Đông mà còn bao trùm khắp các châu lục, trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, đến quân sự, chính trị và cả khoa học công nghệ…

Tham vọng của Bắc Kinh được thể hiện rõ từ việc chiếm và quân sự hóa nhiều đảo của các nước láng giềng ở Biển Đông; mua các cảng biển chiến lược trên thế giới; hiện đại hóa quân đội với các loại vũ khí tối tân nhất; đưa tàu thăm dò thám hiểm không gian; tìm cách áp đặt luật chơi trên trường quốc tế (gây áp lực tại các định chế quốc tế hay thành lập các định chế riêng của mình...).

Tại châu Âu, Trung Quốc đã ngấm ngầm thôn tính nhiều cơ sở hạ tầng, nhiều doanh nghiệp... Chẳng hạn, ở Pháp, 15 năm nay, đất canh tác, khách sạn, sân bay, lâu đài sản xuất rượu… cùng hàng loạt cơ sở kinh tế, thương mại đã bị doanh nghiệp Trung Quốc từ từ “gặm nhấm”. Từ khi Mỹ tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ quốc gia, Pháp trở thành nơi hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc chi 1,8 tỷ USD để mua lại các doanh nghiệp tại Pháp, tăng 86%; trong khi ở Mỹ, vốn đầu tư của Trung Quốc từ 30 tỷ USD trong năm trước giảm xuống còn 4,8 tỷ USD.

Hay tại Đức, sau vụ hãng chế tạo robot Kuka lọt vào tay Trung Quốc, Berlin phải ngăn chặn nhiều doanh nghiệp đang trong tầm ngắm của Bắc Kinh.

Ở khía cạnh khác, như nhật báo Le Monde (Pháp) mới đây thừa nhận, do “bị hấp dẫn bởi thị trường Trung Quốc khổng lồ”, phương Tây trong thời gian dài đã “nhắm mắt” trước hàng loạt hoạt động khác thường của chính quyền Bắc Kinh như: vai trò chỉ đạo của Nhà nước đối với nền kinh tế, các hàng rào bảo hộ mậu dịch được ngụy trang, hay việc không tôn trọng nguyên tắc sở hữu trí tuệ. Điều bất ngờ đối với phương Tây là Trung Quốc đã trỗi dậy nhanh chóng, trường hợp tập đoàn Huawei là ví dụ tiêu biểu.

Chưa đầy một thập niên, Huawei đã trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực mạng điện thoại di động thế hệ mới 5G. Giờ đây, mạng lưới 5G mà Huawei tham gia hoặc cung cấp thiết bị tại nhiều quốc gia đang bị nghi ngờ là công cụ để chính quyền Trung Quốc sử dụng vào các mục tiêu gián điệp hay phá hoại.

Đứng trước nguy cơ đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng chính sách chung nhằm thúc đẩy cách tân công nghệ cũng như chính sách tự vệ chung. Theo nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt, Berlin chủ trương hoàn toàn minh bạch về nguồn gốc các thiết bị 5G, và hai tập đoàn viễn thông chủ chốt của Đức thống nhất sẽ loại bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei.

Tại Pháp, chính phủ đã chuyển qua Thượng viện dự thảo sửa đổi luật cho phép tăng cường kiểm soát các mạng viễn thông. Tuy dự thảo luật không nhắm vào công ty cụ thể nào nhưng ắt hẳn Huawei nằm trong tầm ngắm. Tại Anh, Na Uy, nhiều quan chức kêu gọi hành động khẩn cấp…

EU đang chuẩn bị hành động phối hợp. Khối này sẽ xem xét một số chiến lược ứng phó chung, trong đó có việc sửa đổi các quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, được đưa ra vào năm 2016, để “cản đường Trung Quốc”.

Một sự kiện đáng chú ý diễn ra hôm 14-2 tại Nghị viện châu Âu (EP), đó là với 500 phiếu ủng hộ, 49 phiếu chống và 56 phiếu trắng, EP đã thông qua dự luật, theo đó “bật đèn xanh” cho việc kiểm soát các vụ sáp nhập của nước ngoài ở các lĩnh vực trọng yếu, trong bối cảnh nhiều lo ngại về hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Dự luật này quy định bảo vệ các ngành chiến lược của EU như: nước, vận tải, viễn thông và công nghệ, trong đó có sản xuất thiết bị bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và người máy… Ngoài ra, theo một số điều kiện nhất định, các nước EU phải cung cấp thông tin về dự án đầu tư nước ngoài cho các nước thành viên khác nếu liên quan đến an ninh và trật tự xã hội.

Có thể nói, những bước đối phó của EU tuy rất chật vật nhưng chưa quá muộn trước làn sóng “Made in China 2025” của Trung Quốc đang âm thầm thôn tính nhiều cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp chủ chốt của “lục địa già”. Tất nhiên, các kế hoạch của EU để đối phó với Trung Quốc cũng được sự kích hoạt của người bạn đồng minh chiến lược bên kia bờ Đại Tây Dương suốt những năm qua khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.