Mỹ lãng quên Trung Âu khá lâu

.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, cường quốc hàng đầu thế giới đã lãng quên Trung Âu khá lâu và quan điểm này cần được thay đổi.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp gỡ Tổng thống Slovakia Andrej Kiska tại Bratislava ngày 12-2. Ảnh: Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp gỡ Tổng thống Slovakia Andrej Kiska tại Bratislava ngày 12-2. Ảnh: Getty Images

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến 3 nước Hungary, Slovakia và Ba Lan được cho là động thái cạnh tranh với Trung Quốc và Nga về sức ảnh hưởng tại Trung Âu. Nhiều thông điệp được ông Pompeo đưa ra trong các chặng dừng chân như: Người Mỹ đã lãng quên Trung Âu khá lâu và quan điểm này cần được thay đổi; việc các nước Trung Âu triển khai thiết bị của tập đoàn công nghệ Huawei khiến Washington gặp khó khăn trong hợp tác…

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại thủ đô Budapest ngày 11-2 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, nước Mỹ không có mặt tại Trung Âu trong một thời gian khá dài và để khu vực này rơi vào tay các đối thủ của Washington. “Điều này là không thể chấp nhận được. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định quyết tâm của Mỹ muốn tạo thế cạnh tranh có ảnh hưởng tích cực ở khu vực”, ông Pompeo nói. Nhà ngoại giao Mỹ cũng công bố các kế hoạch hợp tác quốc phòng với Hungary.  

Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, các nước nên xem xét lựa chọn giữa tập đoàn Huawei của Trung Quốc và Mỹ; đồng thời bày tỏ mong muốn xác định rõ với các đồng minh về những cơ hội và rủi ro khi sử dụng thiết bị của Huawei. Mỹ cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng tập đoàn Huawei cho các hoạt động gián điệp và sự mở rộng của hãng này tại trung tâm châu Âu là bước đi nhằm đạt được chỗ đứng vững chắc trong thị trường EU. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lập tức cho rằng, cảnh báo của Mỹ về việc sử dụng thiết bị của Huawei là “vô căn cứ”.

Tại Slovakia ngày 12-2, Ngoại trưởng Pompeo cũng đưa ra thông điệp tương tự về Huawei và khẳng định Washington ủng hộ Bratislava về an ninh cũng như kinh tế. “Mỹ đã sát cánh với người dân Slovakia như một người bạn, một đối tác cách đây 30 năm, và chúng tôi sẽ tiếp tục đứng bên các bạn trong những thập niên tới”, ông Pompeo nói. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Slovakia trong 14 năm qua.

Quan trọng nhất trong lần công cán này là chặng dừng chân ở thủ đô Warsaw của Ba Lan từ tối 12 đến ngày 14-2, nơi ông Pompeo sẽ cùng người đồng cấp chủ nhà Jacek Czaputowicz chủ trì hội nghị về Trung Đông nhằm tái khẳng định quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về Iran và ủng hộ mạnh mẽ Israel. Song, hãng AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, các mối quan hệ lâu dài giữa Ba Lan với Mỹ vẫn đang được thử nghiệm. Trong khi đó, vốn xem hội nghị nói trên là một hành động thù địch, Iran cảnh báo sẽ có những hệ quả đối với Ba Lan. Một số nhà quan sát chính trị lo ngại chính phủ Ba Lan sẽ càng bị cô lập ở châu Âu khi “bắt tay” với Washington chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran. “Điều làm tôi lo lắng là chính phủ Ba Lan đặt tất cả trứng trong giỏ của ông Trump. Không phải là giỏ của Mỹ mà là giỏ của ông Trump”, ông Piotr Buras, Giám đốc Văn phòng Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại ở Warsaw nhận định.

Sự hiện diện của ông Pompeo ở Ba Lan và hội nghị về Trung Đông diễn ra trong lúc Warsaw đang hục hặc với Liên minh châu Âu (EU) liên quan các cáo buộc vi phạm các giá trị nền tảng của khối; Warsaw cũng đang vận động Mỹ gia tăng sự hiện diện ở quốc gia này. Các nhà lãnh đạo Ba Lan muốn có một căn cứ lâu dài của Mỹ và có thể gọi đây là “Pháo đài Trump”. Lầu Năm Góc dự kiến tiết lộ kế hoạch này vào tháng 3 tới. Nhưng bất kỳ sự triển khai nào cũng cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Sau hội nghị ở Warsaw, ông Pompeo sẽ kết thúc chuyến đi với các chặng dừng chân ở Brussels (Bỉ) và Rekjaivik (Iceland) vào ngày 15-2.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.