Mỹ, Nga giành ảnh hưởng tại Trung Đông

.

Hàng loạt sự kiện vừa diễn ra như các hội nghị về Trung Đông ở Ba Lan và Nga, hay ở Munich (Đức) cho thấy Mỹ và Nga đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực “chảo lửa”.

Mỹ và Nga đang có những chính sách khác nhau về Trung Đông. TRONG ẢNH: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại một hội nghị ở Phần Lan tháng 7-2018. Ảnh: AFP
Mỹ và Nga đang có những chính sách khác nhau về Trung Đông. TRONG ẢNH: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại một hội nghị ở Phần Lan tháng 7-2018. Ảnh: AFP

Theo báo The Independent của Anh, tại hội nghị về tương lai hòa bình và an ninh Trung Đông ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump đều tuyên bố đây là diễn đàn “hòa bình”, nhưng họ lại gây sức ép buộc các đồng minh tham gia một liên minh chống Iran, vốn bao gồm Israel và các nước ở bán đảo Arab. Ông Pence thậm chí phát biểu rằng, “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình  và an ninh Trung Đông là Cộng hòa Hồi giáo Iran”, đồng thời gọi Iran là “nước dẫn đầu trong việc bảo trợ chủ nghĩa khủng bố trên thế giới”.

Trong lúc đó, tại thành phố Sochi của Nga, bên bờ Biển Đen, cách Warsaw không xa về địa lý và trùng khớp về thời gian, các nhà lãnh đạo Moscow, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng các quan chức quân sự cấp cao tìm cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 8 năm ở Syria.

GS. Robert Czulda về chính trị Trung Đông tại Đại học Lodz (Ba Lan) cho rằng, những diễn biến nói trên chẳng khác nào thời kỳ trước Thế chiến thứ nhất hoặc Thế chiến thứ hai, nghĩa là thế giới có 2 “căn cứ”, 2 “liên minh”. GS. Czulda cũng nhận định, sự kiện ở Warsaw không phải là hội nghị hòa bình mà là xây dựng một liên minh. “Điều đó rất quan trọng để Nga thể hiện với thế giới rằng, nước này cũng dẫn đầu một “căn cứ” của riêng mình”, ông Czulda nói.

Trong lúc đó, ông Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ hội nghị Sochi, cho rằng đây không phải là “tiến trình song song” (với hội nghị ở Warsaw). Theo ông Hook, Mỹ đã mời Nga đến Warsaw và Moscow đã bỏ lỡ cơ hội này.

Hội nghị ở Sochi là lần thứ tư Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp để bàn thảo về tương lai Syria. Kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, đây là lần đầu tiên 3 nước nhóm họp. Song, chung quanh kế hoạch rút quân của Washington, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều thể hiện quan điểm khác nhau về tương lai của khu vực đông bắc Syria, hiện do người Kurd và lực lượng Mỹ kiểm soát. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin thúc giục tránh bất ổn ở Syria sau khi Mỹ rút quân.

Warsaw không phải là hội nghị hòa bình mà là xây dựng một liên minh. Điều đó cũng rất quan trọng để Nga thể hiện với thế giới rằng, nước này cũng dẫn đầu một “căn cứ” của riêng mình”

Giáo sư về Trung Đông Robert Czulda

Moscow xem việc rút quân đội Mỹ là cơ hội để gia tăng ảnh hưởng đối với chính phủ Damascus. Iran cũng xem đây là dịp để nước Cộng hòa Hồi giáo tăng sức ảnh hưởng về phía tây và chống lại Israel. Theo báo The Independent, qua hội nghị ở Sochi, Nga muốn nhấn mạnh vai trò của nước này là nhà kiến tạo thỏa thuận ở khu vực Trung Đông và là cường quốc duy nhất có thể kiềm chế Iran. Hơn nữa, Mỹ hiện diện ở Syria để cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Nga và Iran đối với tương lai của Syria và Trung Đông. Nếu rút quân, chẳng khác nào Washington “nhường” Trung Đông cho Moscow và Tehran. Vì vậy, Israel đã nổi giận khi Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Syria.

Trong lúc đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng có những rạn nứt và bất đồng. Phó Tổng thống Pence yêu cầu các nước châu Âu ngừng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và chỉ trích cơ chế đặc biệt mà Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập để các công ty làm ăn với Tehran. Tuy nhiên, ngay cả Ba Lan dù đồng chủ trì hội nghị nhưng cũng bày tỏ sự ủng hộ JCPOA.

Tại hội nghị An ninh Munich (Đức), mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu đã có nhiều rạn nứt, một phần nguyên nhân do những bất đồng về JCPOA. Ông Pence lại thể hiện quan điểm trái ngược khi bảo vệ chính sách “Nước Mỹ trên hết” với những lý lẽ bị đánh giá là khô cứng. Số phận của JCPOA vẫn bỏ ngỏ khi Mỹ và Iran chỉ trích, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau. Trong lúc Mỹ duy trì quan điểm Iran là yếu tố then chốt cho hòa bình và an ninh ở Trung Đông, nhiều đồng minh lâu năm của Washington đã chấp nhận cái nhìn khác về Tehran và khu vực “chảo lửa” này, mà JCPOA là ví dụ điển hình.  

Hai thái cực đối đầu nhau gay gắt được hình thành, cùng tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông và cùng bảo vệ lợi ích của chính mình. Điều đó cho thấy thế giới đơn cực của Mỹ không còn nữa, ít nhất ở Trung Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.