Việt Nam nâng vị thế từ thượng đỉnh Mỹ - Triều

.

Việc được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào ngày 27 và 28-2 trao cho Việt Nam cơ hội thể hiện các thành tựu kinh tế cũng như tầm quan trọng về địa chính trị.

Một nhà hàng ở Từ Liêm (Hà Nội) treo ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ngoài cửa với dòng chữ “Chào đón ông Kim Jong-un và Donald J. Trump”. Ảnh: Getty Images
Một nhà hàng ở Từ Liêm (Hà Nội) treo ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ngoài cửa với dòng chữ “Chào đón ông Kim Jong-un và Donald J. Trump”. Ảnh: Getty Images

Những ngày này, các hãng tin lớn của thế giới đăng tải những bài viết và hình ảnh phản ánh không khí trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, trong lúc phái đoàn hai bên và nước chủ nhà Việt Nam đang hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng. Sự kiện Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà quan sát và báo chí.

Khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại

Trong bài viết tựa đề “Việt Nam hưởng lợi ra sao khi là chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều” trên VOA News, cây bút Ralph Jennings nhận định: Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam nhận được sự tôn trọng mới từ các nước; điều này có lợi cho chính sách đối ngoại đa phương cũng như uy tín của Việt Nam với tư cách là một đất nước phù hợp để tổ chức các hoạt động, trong đó có các sự kiện quốc tế lớn.

Giáo sư danh dự Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, tất cả các bên liên quan như Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tin tưởng Việt Nam là nước chủ nhà trung lập”. “Thành công của Việt Nam tái khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại của nước này, đó là “đa phương hóa và đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại, đồng thời là “người bạn đáng tin cậy của tất cả các nước”. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đòn bẩy có được khi làm chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai”, giáo sư Thayer nói.

Theo báo Japan Times của Nhật Bản, Việt Nam là sự lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Japan Times lý giải, Việt Nam tương đối gần với Triều Tiên về mặt địa lý nên nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đến Việt Nam mà không cần quá cảnh ở một nước khác, hoặc gặp khó khăn khi phải di chuyển suốt quãng đường dài. Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ lẫn Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao. Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018.

Cơ hội quảng bá tuyệt vời về thành phố hòa bình

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump chính thức công bố cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2, tạp chí Diplomat về chính trị, xã hội và văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đăng tải bài viết tựa đề “Tại sao Việt Nam nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai”.

Theo hãng CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump có 4 ưu tiên trong hội nghị thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên, đó là cải thiện quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng; thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; phi hạt nhân hóa và hồi hương hài cốt binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.

Theo bài viết, nếu hội nghị thành công, Việt Nam sẽ gặt hái được những lợi ích đáng kể trong quan hệ song phương và đa phương. Một trong những lợi ích là hình ảnh của Việt Nam sẽ được sự quảng bá của nhiều phương tiện truyền thông lớn trên thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam trong năm 2019 đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội để chia sẻ với nhà lãnh đạo Triều Tiên về những bài học kinh nghiệm để thành công về kinh tế và ngoại giao nhờ chính sách mở cửa.

Theo nhà báo Ben Gittleson (hãng tin ABC News - Mỹ), Việt Nam được ca ngợi là hình mẫu phát triển kinh tế thành công mà Triều Tiên có thể học hỏi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã đề cập câu chuyện này trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 6 năm ngoái. Ông Gittleson có bài viết “Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai đưa Việt Nam trở thành tâm điểm địa chính trị”, nhận định mọi sự chú ý đang tập trung vào Việt Nam - quốc gia Đông Nam Á có quan hệ hữu nghị với tất cả các bên liên quan cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon cũng nhận định: Việt Nam có thể tận dụng sự kiện này để mở rộng vị thế địa chính trị, củng cố và nâng cao vị thế của mình tại Đông Nam Á. Nhà ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín toàn cầu và trở thành nhân tố quan trọng trong khu vực.

Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh, tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là cơ hội để quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. “Việt Nam có cơ hội thu hút sự chú ý của toàn thế giới, để họ thấy mọi góc cạnh của thủ đô Hà Nội, những tuyến đường với các phương tiện qua lại, những di sản lịch sử và sự năng động của thành phố này. Ẩm thực của Hà Nội tuyệt vời nhất châu Á. Người dân Việt Nam luôn rạng rỡ. Đây là cơ hội quảng bá tuyệt vời về một thành phố hòa bình”, Đại sứ Kim Do-hyon nói.

Thành công của Việt Nam tái khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại của nước này, đó là “đa phương hóa và đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại, đồng thời là “người bạn đáng tin cậy của tất cả các nước”. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đòn bẩy có được khi làm chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai”

Giáo sư danh dự Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc)

VĨNH AN tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.