Huawei và Mỹ bước vào cuộc chiến pháp lý

.

Tập đoàn Huawei đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ tại tòa án bang Texas, cáo buộc Washington vi hiến khi cấm thiết bị viễn thông của họ.

Huawei có mặt tại Hội chợ Điện tử tiêu dùng châu Á 2018 ở Thượng Hải (Trung Quốc).  Ảnh: Reuters
Huawei có mặt tại Hội chợ Điện tử tiêu dùng châu Á 2018 ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Ngày 6-3 (giờ Mỹ), Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc nộp đơn kiện lên tòa án liên bang ở thành phố Plano, bang Texas, thách thức tính hợp hiến của điều khoản 889 trong đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) cấm các cơ quan liên bang mua thiết bị của tập đoàn này. Đây là động thái mạnh mẽ nhất của Huawei nhằm chống lại tuyên bố của Mỹ khi cho rằng, công nghệ của nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu.

Trong tuyên bố ngày 7-3, Huawei cũng xác nhận việc tập đoàn này đệ đơn lên tòa án ở Texas. Theo đạo luật NDAA do Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào tháng 8-2018, các cơ quan liên bang, nhà thầu chính phủ hay công ty nào nhận vốn vay hoặc ngân sách chính phủ Mỹ thì không được phép sử dụng thiết bị cũng như dịch vụ của Huawei và ZTE (hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc) trong một số hệ thống mạng. Đơn kiện cho hay, điều khoản 889 là sự trừng phạt pháp lý không thông qua xét xử - điều mà Hiến pháp Mỹ quy định cấm.

Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei khẳng định, tập đoàn này khởi kiện bởi Quốc hội Mỹ nhiều lần không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để lý giải về việc áp đặt những hạn chế lên các sản phẩm của Huawei. “Lệnh cấm không chỉ bất hợp pháp, mà còn hạn chế Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, cuối cùng sẽ gây hại cho người tiêu dùng Mỹ”, ông Guo Ping nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ Bắc Kinh có thể tìm kiếm hành động pháp lý chống lại Washington hay không, nhưng khẳng định động thái trên của Huawei là “rất hợp lý và hoàn toàn dễ hiểu”.
Các nhà chức trách Mỹ vốn cáo buộc Huawei có thể thu thập thông tin tình báo và chuyển cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei bác bỏ điều này. Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định, Huawei không bao giờ chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc.

Huaewi cũng đang đối mặt cáo buộc hình sự từ Bộ Tư pháp Mỹ, liên quan việc đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Nhiều tập đoàn viễn thông của Mỹ đã bị cấm sử dụng thiết bị của Huawei. Chính phủ của Tổng thống Trump cũng vận động các đồng minh cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm của Huawei trong phần chính của mạng di động 5G.

Theo giới quan sát, với vụ kiện của Huawei, Washington sẽ phải giải trình cụ thể hơn trước dư luận về lệnh cấm. Chính phủ ở các quốc gia như Đức và Anh đang cân nhắc các lệnh hạn chế đối với thiết bị Huawei.

Cũng trong đầu tháng 3 này, các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei, người bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ - đã đệ đơn kiện chính phủ và cơ quan chức năng Ottawa về việc tạm giữ và thẩm vấn bà. Các luật sư của bà Mạnh cho rằng, cách thức các nhân viên công vụ thu thập thông tin và bằng chứng chống lại vị giám đốc tài chính này là sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Canada về các quyền và tự do. Tòa án ở tỉnh British Colombia của Canada hiện bắt đầu xem xét hồ sơ dẫn độ bà Mạnh theo đề nghị của Mỹ. Bà Mạnh đang được tại ngoại ở thành phố Vancouver của Canada sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD kèm với cam kết tuân thủ các biện pháp kiểm soát khác, nhưng phải ra tòa vào ngày 6-3 (giờ Canada).

Cơ quan hải quan Trung Quốc ngày 7-3 cho biết, hạt cải dầu của Công ty Richardson International Ltd. (Canada) bị cấm nhập vào thị trường cường quốc châu Á này. Đây là động thái trả đũa của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh với Ottawa chung quanh việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào tháng 12-2018.

Trung Quốc sau đó đã bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc gây nguy hại an ninh quốc gia. Công dân thứ ba của Canada, Robert Lloyd Schellenberg, bị Trung Quốc kết án tử hình vì tội buôn ma túy. Giờ đây, Bắc Kinh cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada.

Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau tuyên bố, Cơ quan Kiểm tra thực phẩm Canada đã điều tra sau khi Trung Quốc thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu Công ty Richardson vào ngày 1-3, nhưng không phát hiện bất kỳ loại bọ gây hại nào.

NGUYÊN THƯ

;
;
.
.
.
.
.