Sau vụ xả súng hàng loạt tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch làm 50 người chết, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định chính phủ sẽ thay đổi luật sở hữu súng.
Không khí đau buồn bao phủ thành phố Christchurch. Ảnh: AP |
Tính đến ngày 17-3, số người chết tăng lên 50 người sau khi cảnh sát tìm thấy một thi thể tại đền thờ Masjid Al Noor. Theo thông lệ, đạo Hồi chôn cất người chết trong vòng 24 giờ nhưng do công tác điều tra nên đến tối 17-3, cảnh sát mới bắt đầu bàn giao các thi thể nạn nhân cho gia đình để tiến hành an táng.
Hiện 34 người bị thương vẫn được điều trị tại Bệnh viện Christchurch, trong đó có 12 người bị thương nặng. Đa số nạn nhân thiệt mạng là người nhập cư hoặc tị nạn đến từ Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia, Afghanistan và Bangladesh. Nạn nhân nhỏ nhất là một cậu bé 3 tuổi. Bộ Ngoại giao Pakistan xác nhận, quốc gia Nam Á này có 9 công dân thiệt mạng.
Rất nhiều hoa được đặt gần các đền thờ ở thành phố Christchurch cùng với dòng người tập trung tưởng niệm, cầu nguyện cho các nạn nhân. Một số người còn chơi guitar, ca hát và thắp nến. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có mặt tại nhiều địa điểm của Christchurch để chia buồn với cộng đồng người Hồi giáo.
Công dân Úc Brenton Tarrant (28 tuổi) ra tòa vào ngày 16-3 với cáo buộc tội giết người. Tarrant sẽ trở lại tòa vào ngày 5-4 và có thể đối mặt với nhiều cáo buộc hơn. Tarrant không có lịch sử phạm tội và cũng không có tên trong danh sách theo dõi của cảnh sát New Zealand hay Úc. Theo Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush, 3 người khác bị bắt giữ ban đầu không liên quan vụ việc và các nhà chức trách cũng không loại bỏ khả năng có những nghi phạm khác. CNN cho hay, 9 phút trước khi có hành động xả súng, Tarrant đã gửi “tuyên ngôn” 87 trang đến hộp thư điện tử (email) của Thủ tướng Ardern. Ông Andrew Campbell, Thư ký báo chí của bà Ardern xác nhận, Văn phòng Thủ tướng đã tiếp nhận email này nhưng nội dung thư không đề cập thời gian, địa điểm hay thông tin cụ thể về vụ tấn công. “Tuyên ngôn” này cũng được đăng trên mạng xã hội, nêu quan điểm chống người nhập cư và Hồi giáo.
Thủ tướng Ardern nói rằng, nghi phạm tấn công có tới 5 khẩu súng, 2 khẩu bán tự động, 2 khẩu bắn đạn hoa cải và 1 khẩu súng bắn liên tục nạp đạn kiểu đòn bẩy. Tên này nhận giấy phép sở hữu súng vào tháng 11-2017. “Luật sở hữu súng của chúng tôi sẽ thay đổi”, bà Ardern khẳng định với báo giới, đồng thời cho biết chính phủ sẽ xem xét lệnh cấm vũ khí bán tự động. Nội các của bà sẽ thảo luận chi tiết về chính sách vào hôm nay (18-3).
Giới chức New Zealand trước đây cố gắng thắt chặt luật sở hữu súng nhưng văn hóa săn bắn phần nào cản trở những nỗ lực này. Tuy vậy, những vụ giết người rất hiếm xảy ra ở một đất nước thanh bình như New Zealand và những vụ giết người bằng súng còn hiếm hơn. Theo luật hiện hành, bất kỳ ai từ 16 tuổi trở lên và có giấy phép sử dụng vũ khí nóng ở cấp độ thông thường đều có thể sở hữu số lượng không giới hạn các loại súng trường thông dụng và các súng bắn đạn hoa cải mà không cần biên bản chính thức về những loại súng đó. Tuy nhiên, người được cấp phép sở hữu súng phải trải qua quy trình bao gồm: xem xét hồ sơ phạm tội; kiểm tra sức khỏe tâm thần; tham dự chương trình an toàn, giải thích về cách sử dụng súng; kiểm tra nơi cư trú để bảo đảm lưu trữ súng an toàn và có sự chứng thực của người thân cũng như bạn bè.
Vụ xả súng kinh hoàng cũng đặt ra vấn đề về việc kiểm soát bạo lực trên mạng. Trong vòng 24 giờ, Facebook đã gỡ bỏ 1,5 triệu video phát về vụ tấn công và đang nỗ lực gỡ bỏ tất cả phiên bản. Các tập đoàn viễn thông New Zealand cũng thông báo sẽ ngăn chặn các clip đăng các cảnh quay vụ tấn công khủng bố trên các trang web trong nước.
Theo hãng tin AFP, những ngày qua, người dân trên thế giới cũng như ở New Zealand đều bàng hoàng và tự hỏi rằng, vì sao tại quốc gia được xem là một trong những nơi thanh bình nhất, nơi cảnh sát tuần tra không cần mang vũ khí, lại xảy ra vụ khủng bố đẫm máu như vậy. Những người Hồi giáo nhập cư vốn gọi New Zealand là “thiên đường trên trái đất” với Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) xếp thứ hai, chỉ sau Iceland. Nhưng chỉ trong vòng 36 phút chiều 15-3, 50 người đã bị bắn chết tại hai đền thờ, gây rúng động New Zealand.
Theo thống kê, người Hồi giáo chiếm khoảng 1,1% dân số của New Zealand (5 triệu người). Số người Hồi giáo tăng mạnh sau khi New Zealand tiếp nhận người tị nạn kể từ những năm 1990. |
VĨNH AN