Vụ tai nạn máy bay ngày 10-3 ở Ethiopia với 157 người chết làm dấy lên quan ngại về an toàn của dòng Boeing 737-MAX 8, nhất là khi hai thảm kịch hàng không đã xảy ra với loại máy bay này chỉ trong 5 tháng.
Người thân của các nạn nhân chờ đợi tin tức tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: Reuters |
Chiếc Boeing 737-MAX 8 mang số hiệu ET 302, chở 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn, đã bốc cháy khi đâm xuống mặt đất ở cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khoảng 60km về phía đông nam. Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn.
5 tháng, 2 thảm họa hàng không
Ngày 11-3, các hãng hàng không ở nhiều nước đình chỉ hoạt động của các máy bay Boeing 737-MAX 8 do lo ngại về an toàn. Trung Quốc có phản ứng đầu tiên khi ngừng vận hành 96 máy bay Boeing 737-MAX 8. Nhắc lại vụ tai nạn xảy ra vào cuối tháng 10-2018 với một chiếc Boeing 737-MAX 8 thuộc hãng Lion Air (Indonesia), Cơ quan Quản lý Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết: “Cả hai vụ đều liên quan đến Boeing 737-MAX 8 và xảy ra trong quá trình cất cánh. Chúng giống nhau ở mức độ nào đó”. CAAC sẽ liên hệ với hãng Boeing của Mỹ và Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ để xác nhận các vấn đề “an toàn bay” trước khi cho phép dòng máy bay nói trên hoạt động trở lại. Trung Quốc là một trong những nước sở hữu máy bay Boeing 737-MAX 8 nhiều nhất thế giới.
Cayman Airways cũng ngừng vận hành Boeing 737-MAX 8 mới kể từ ngày 11-3. Ethiopian Airlines, hãng hàng không lớn nhất châu Phi, ngừng hoạt động của đội bay gồm 6 chiếc Boeing 737-MAX 8 cho đến khi có thông báo mới.
Theo hãng tin CNN, vụ việc ngày 10-3 đánh dấu hai vụ tai nạn liên quan đến máy bay Boeing 737-MAX 8 chỉ trong 5 tháng. Cuối tháng 10 năm ngoái, chiếc Boeing 737-MAX 8 của hãng Lion Air rơi ở biển Java làm tất cả 189 người chết. Tai nạn mới nhất của máy bay hãng Ethiopian Airlines làm 157 người chết xảy ra chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia để đến thành phố Nairobi của Kenya. Cả hai vụ đang được điều tra và tính chất tương tự làm dấy lên lo ngại cho một số hãng bay. Song, các chuyên gia về an toàn khuyến cáo rằng, còn quá sớm để nói hai vụ việc này có nhiều điểm tương đồng. Ông Michel Merluzeau, Giám đốc hãng Phân tích thị trường quốc phòng và hàng không vũ trụ có trụ sở tại Washington nhận định, không thể đưa ra so sánh vài điểm tương đồng khi chưa có thông tin đáng tin cậy.
Tìm thấy hộp đen máy bay
Ethiopia tổ chức quốc tang vào ngày 11-3 để tưởng niệm các nạn nhân. Các chính phủ Ethiopia và Kenya tuyên bố thành lập đội phản ứng thảm họa chung nhằm điều tra tai nạn. Boeing cũng cử một đội kỹ thuật của tập đoàn đến hiện trường để hỗ trợ điều tra, dưới sự chỉ đạo của Cục Điều tra tai nạn Ethiopia và Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ.
Mảnh vỡ của máy bay tại hiện trường ở Ethiopia. Ảnh: Reuters |
Ông Tewolde Gebremariam, Giám đốc điều hành Ethiopian Airlines cho hay: “Phi công báo cáo gặp sự cố và đề nghị quay đầu. Đường băng đã dọn sẵn chờ anh ấy quay lại”. Ông Gebremariam xác nhận phi công là nhân viên cấp cao của Ethiopian Airlines, đã bay hơn 8.000 giờ và có “thành tích bay xuất sắc”.
GS. William Waldock về an toàn hàng không tại Đại học Hàng không Embry-Riddle (Mỹ) cho rằng, nhiều điều sẽ được làm sáng tỏ sau khi các nhà điều tra tìm thấy và phân tích các hộp đen của máy bay thuộc hãng Ethiopian Airlines. Đài phát thanh truyền hình Fana của nhà nước Ethiopia cho hay, một hộp đen đã được tìm thấy trong tình trạng bị hư hại một phần.
Theo quy định, trách nhiệm điều tra tai nạn thuộc về nước sở tại nhưng phía Mỹ có thể tham gia vì máy bay Boeing được thiết kế và chế tạo tại cường quốc này. Boeing 737 là sản phẩm bán chạy nhất thời đại với hơn 10.000 chiếc được sản xuất, còn MAX là dòng mới nhất của Boeing 737. “Gã khổng lồ” Boeing cũng hủy lễ ra mắt dòng máy bay 777X dự kiến vào ngày 13-3 tới tại Seatle (Mỹ).
Theo CNN, 157 nạn nhân đến từ 35 quốc gia, trong đó có 32 người Kenya; Canada: 18; Ethiopia: 9; Trung Quốc: 8; Ý: 8; Mỹ: 8; Đức: 5. Có 19 nạn nhân là nhân viên Liên Hợp Quốc; trong đó có nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới, Văn phòng Cao ủy người tị nạn và Tổ chức Lương Nông.
Không có người Việt trên máy bay Ethiopia gặp nạn Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm địa bàn Ethiopia cho biết, trong danh sách nạn nhân thiệt mạng khi máy bay Ethiopia rơi ngày 10-3, không có người Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin và có các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. TTXVN |
BÌNH YÊN