Ý tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường"

.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cam kết quốc gia châu Âu này sẽ là nước đầu tiên trong khối G7 tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Theo đó, Rome có thể mở cửa 4 cảng biển để thu hút đầu tư của Bắc Kinh.

Cảng Sicilian ở thành phố Palermo của Ý, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến thăm.  Ảnh: marinas.com
Cảng Sicilian ở thành phố Palermo của Ý, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến thăm. Ảnh: marinas.com

Phát biểu của Thủ tướng Giuseppe Conte trước Quốc hội Ý vào ngày 19-3 không gây bất ngờ, bởi Rome trước đó đã tiết lộ ý định tham gia BRI, bất chấp cảnh báo của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hãng AP dẫn lời ông Conte nói rằng, biên bản ghi nhớ sắp ký với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn gắn kết Ý với BRI, sẽ không gây hoài nghi về vị trí của nền kinh tế lớn thứ ba của khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone) trong liên minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương hay với các đối tác châu Âu. Ông Conte nhấn mạnh, biên bản ghi nhớ không ràng buộc về pháp lý và sẽ cho Ý cơ hội tiếp cận một thị trường khổng lồ.

“Điều chúng tôi muốn trước hết là tái cân bằng thương mại, vốn không thuận lợi cho chúng tôi. Xuất khẩu của chúng tôi sang Trung Quốc hiện thấp hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào”, ông Conte lý giải. Theo người đứng đầu chính phủ Ý, với BRI, nước ông sẽ có các sân bay mới, các hành lang thương mại mới và chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. “Chúng tôi không muốn mất bất kỳ cơ hội nào”, ông Conte nói.

Ý dự kiến cử một phái đoàn cấp cao tham dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh vào cuối tháng 4 tới. Ý cũng là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu từ ngày 21 đến 26-3 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20-3 cho hay, ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Tổng thống Sergio Mattarella, Thủ tướng Giuseppe Conte tại Rome và thăm thành phố Palermo, thủ phủ của vùng tự trị Sicilia. Palermo có cảng Sicilian, được cho là trọng tâm trong nỗ lực của Ý nhằm thu hút các hãng vận tải tàu Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu khẳng định, hai bên sẽ ký các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, máy móc và tài chính. “Thỏa thuận giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Ý sẽ có lợi cho sự phát triển cả hai nước”, nhà ngoại giao này nói.

Theo hãng Reuters, việc cho phép Trung Quốc đầu tư vào 4 cảng biển tại Ý dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Conte. 4 cảng biển bao gồm: cảng lớn nhất của Ý ở thành phố Genoa, phía tây bắc; cảng Sicilian ở thành phố Palermo; cảng Trieste và Ravenna, phía bắc biển Adriatic. Trong đó, cảng Trieste là cửa ngõ tiến ra Địa Trung Hải gần nhất của một loạt các quốc gia nằm sâu trong lục địa như: Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Slovenia.

Thực ra, sự hiện diện của Trung Quốc tại các cảng biển châu Âu không phải là điều mới mẻ. Năm 2008, Tập đoàn vận tải biển nhà nước Trung Quốc Cosco bắt đầu vận hành một cảng tại Piraeus (Hy Lạp). Từ đó, các công ty Trung Quốc mở rộng sang 3 cảng lớn nhất của châu Âu, chiếm 35% cổ phần của Euromax tại Rotterdam (Hà Lan) và 20% cổ phần tại Antwerp (Bỉ), đồng thời lên kế hoạch xây dựng một cảng ở Hamburg (Đức). Song, Ý là thành viên đầu tiên trong khối các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ tham gia BRI - dự án của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu thông qua việc xây dựng các kết nối giao thông là cảng biển và đường bộ nối từ châu Á, qua Trung Đông và châu Phi tới châu Âu.

Động thái của Ý làm Mỹ và châu Âu lo ngại về việc Rome sẽ bán hết những công nghệ nhạy cảm và chuyển giao cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhà Trắng cảnh báo Ý về việc tham gia BRI và gọi đây là “dự án phù phiếm” của Trung Quốc. Đối với châu Âu, các chính phủ của “lục địa già” từ chối ký tuyên bố chung về BRI tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hồi năm ngoái với lý do rằng, sáng kiến này thiếu các tiêu chuẩn về tài chính và sự minh bạch.

Hãng Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu cho biết, tính đến nay, hơn 150 quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu  vực đã ký tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - dự án “khủng” dự kiến mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.