Trong 4 ngày đầu của Lễ hội Songkran, cảnh sát Thái Lan phạt hơn 110.000 người vi phạm luật giao thông, tạm thu giấy phép của gần 16.000 tài xế.
Người dân và du khách bắn nước vào nhau để cầu may trong lễ hội Songkran hôm 14-4. Ảnh: AFP |
Lễ hội té nước Songkran là Tết cổ truyền đón năm mới của người dân Thái Lan. Tuần lễ diễn ra sự kiện thường được biết đến với tên gọi "7 ngày nguy hiểm". Lý do là số lượng tai nạn giao thông, người chết trong dịp này tăng cao so với ngày thường. WHO ước tính có khoảng gần 23.000 người chết mỗi năm liên quan đến tai nạn giao thông ở Thái Lan, trung bình 62 người mỗi ngày.
Tết Songkran năm nay kéo dài từ ngày 11-4 tới 17-4. Tuy nhiên, số lượng các vụ tai nạn giao thông trong 4 ngày đầu tiên của lễ hội đã giảm gần 200 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Số người chết và bị thương cũng ít hơn. Theo đánh giá của nhiều người, chính quyền Thái Lan đã rất nỗ lực để giảm thiểu thương vong.
Trong 4 ngày đầu, Thái Lan xảy ra hơn 2.200 vụ tai nạn giao thông, khiến 237 người chết và 2.322 người bị thương.
Hơn 110.000 người vi phạm luật giao thông, trong đó gần 16.000 người đã bị cảnh sát thu giữ giấy phép lái xe, số người say rượu lái xe là 3.700 trường hợp.
Tỉnh Nakhon Si Thammarat là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất ở Thái Lan, 81 vụ. Nakhon Ratchasima và Udon Thani là hai tỉnh có nhiều người chết nhất, 11 người ở mỗi tỉnh.
Nhiều người bắt đầu trở về nhà từ ngày 16-4. Do đó, các nhà chức trách cho biết họ tập trung chú ý để xử phạt các tài xế say xỉn trong hành trình lái xe về Bangkok sau kỳ lễ.
Tết Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch. Đây là một trong lễ hội lớn nhất, được người Thái Lan chờ đón nhất trong năm và cũng thu hút số lượng lớn du khách tham gia. Đây cũng là dịp để người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Họ dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính, chúc may mắn.
Theo Vnexpress