Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho rằng, 8 vụ đánh bom liên tiếp ở quốc gia Nam Á này vào ngày 21-4 là tấn công khủng bố liên quan đến tôn giáo cực đoan. Đất nước có một lịch sử dài chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai đang hứng chịu tang thương với 290 người chết, 500 người khác bị thương.
Lực lượng an ninh tăng cường ở các nhà thờ sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công. Ảnh: Reuters |
Các vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo cùng các thành phố Negombo, Batticaloa là bạo lực đẫm máu nhất tại Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc đảo này kết thúc cách đây 1 thập niên.
Chưa có ai nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardena cho rằng, đây là vụ tấn công khủng bố có liên quan tôn giáo cực đoan, hầu hết là tấn công liều chết. Cảnh sát đã bắt giữ 24 nghi phạm. Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn; Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tham dự cuộc họp này.
Hãng Reuters cho biết, tính đến ngày 22-4, số người thiệt mạng tăng lên 290 người và 500 người khác bị thương. Trong số những người chết có 37 công dân nước ngoài, bao gồm Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Nhật Bản và Bồ Đào Nha. Người giàu có nhất Đan Mạch Anders Holch Povlsen cùng vợ đã mất 3 trong số 4 người con trong thảm kịch này.
Cũng trong ngày 22-4, cảnh sát phát hiện 87 thiết bị nổ nằm rải rác gần một trạm xe buýt và tại một bãi rác gần đó ở Colombo. Lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ vào đêm 21-4 nhưng đến chiều 22-4 áp đặt trở lại.
IS hay Al-Qaeda?
Giới chức Sri Lanka cho rằng, nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương có liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng sau vụ tấn công. Người phát ngôn chính phủ Rajitha Senaratne cho hay, các nhà điều tra đang xem xét sự liên quan của National Thowheeth Jama’ath (NTJ), nhóm từng công khai ủng hộ IS. Tài liệu được AFP tiết lộ cho hay, Cảnh sát trưởng Sri Lanla từng thông báo vào ngày 11-4 rằng, “một cơ quan tình báo nước ngoài” cảnh báo NTJ đang lên kế hoạch tấn công vào các nhà thờ ở Colombo.
Tuy nhiên, dường như cảnh báo đã bị bỏ qua và giới chức không hay biết gì về nguy cơ xảy ra tấn công.
Trong khi đó, hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia an ninh nghi ngờ có bàn tay của Al-Qaeda. Mục tiêu nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang - nơi có khách nước ngoài lưu trú - là “bước phát triển mới và đáng lo ngại” về bạo lực ở Sri Lanka.
Chuyên gia chống khủng bố Alto Labetubun, người đã nghiên cứu về IS và Al-Qaeda nhận định: “Các vụ tấn công là điều không bình thường đối với Sri Lanka. So sánh với những vụ tương tự ở Trung Đông và Đông Nam Á, có dấu hiệu cho thấy do IS và Al-Qaeda thực hiện”.
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cho hay, các báo cáo tình báo khẳng định, các tổ chức khủng bố nước ngoài đứng sau các chiến binh ở quốc gia Nam Á này và đề nghị sự hỗ trợ của nước ngoài. Chuyên gia an ninh Rohan Gunaratna làm việc tại Singapore cho rằng, nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka là một nhánh của IS và thủ phạm có mối quan hệ với các công dân Sri Lanka, những người đã đến Trung Đông để gia nhập IS tại Syria và Iraq. IS đã mất thành trì cuối cùng ở Syria nhưng hoàn toàn có thể hồi sinh bởi nhiều nhóm nổi dậy vẫn tiếp tục kế thừa tư tưởng cực đoan của tổ chức khủng bố này.
Theo nhà phân tích Pratyush Rao tại Công ty tư vấn quản lý rủi ro có trụ sở chính ở London (Anh), mặc dù quy mô và mức độ tinh vi của các vụ tấn công cho thấy có mối liên hệ với nước ngoài, nhưng không có bằng chứng nào về sự liên quan trực tiếp của IS. “Các vụ tấn công có thể lấy cảm hứng từ chiến thuật và ý thức hệ của IS”, nhà phân tích này nói.
Hòa bình mong manh
Hàng loạt vụ đánh bom ngày 21-4 đã chấm dứt 10 năm hòa bình ở Sri Lanka. Thủ tướng Wickremesinghe lo ngại vụ thảm sát có thể làm dấy lên sự bất ổn cho đất nước của ông. Nhà lãnh đạo này cam kết “trao tất cả quyền lực cần thiết cho lực lượng quốc phòng” để hành động chống lại những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Trước năm 2009, thời điểm xảy ra cuộc nội chiến giữa chính phủ với lực lượng ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) kéo dài gần 30 năm, đánh bom liều chết thường xảy ra. Từ năm 1983, LTTE bắt đầu cuộc chiến đòi độc lập, ly khai ở phía bắc và phía đông, làm tổng cộng hơn 100.000 người chết.
Vì vậy, với nhiều người Sri Lanka, vụ việc lần này gợi nhớ đến chiến tranh bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa cộng đồng người thiểu số Tamil theo đạo Hindu, Hồi giáo, Thiên chúa giáo và cộng đồng sắc tộc Sinhala theo Phật giáo. LTTE không còn nữa nhưng chia rẽ tôn giáo vẫn dai dẳng. Trong những năm gần đây, tại Sri Lanka - đất nước có 22 triệu dân, trong đó 70% dân số theo đạo Phật, căng thẳng vẫn gia tăng giữa Phật giáo và Hồi giáo.
Hãng Bloomberg nhận định, khi vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, hàng loạt vụ tấn công càng đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ Sri Lanka, nhất là nền kinh tế của nước này trong quý 4-2018 chỉ đạt tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 19 quý. Đồng rupee cũng giảm xuống mức kỷ lục vào năm ngoái trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, và vừa mới phục hồi trong năm nay.
PHÚC NGUYÊN