NATO chưa thu hẹp bất đồng

.

Tổng thống Donald Trump vẫn bảo vệ quan điểm các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải gia tăng mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng, thay vì để Mỹ gánh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng. Ảnh: EPA-EFE
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng. Ảnh: EPA-EFE

Mức đóng góp ngân sách cho quốc phòng là nội dung chính của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng ngày 2-4 (giờ Washington). Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, hầu hết các thành viên NATO chưa đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, trong đó chỉ đích danh Đức, trong khi Washington phải trả chi phí quá lớn để bảo vệ châu Âu. “Đức không chia sẻ chi phí công bằng. Họ không trả cho những gì lẽ ra họ phải trả”, ông Trump nói.

Hãng AP cho biết, sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, các thành viên NATO thống nhất gia tăng ngân sách quốc phòng và hướng tới mức đóng góp 2% GDP đến vào 2024.

Kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, các đồng minh châu Âu của Mỹ và Canada tăng thêm 41 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Cuối năm 2020, những nước này sẽ tăng thêm 100 tỷ USD. Tuy nhiên, Đức làm ông Trump tức giận vì con số này của Berlin chỉ 1,23% GDP.

Năm 2018, Đức chi 50,2 tỷ USD cho quốc phòng, tăng hơn 4,6 tỷ USD so với năm trước đó nhưng chỉ bằng 1,23% GDP. Tháng trước, Đức thông báo sẽ giảm từ 1,37% GDP cho quốc phòng vào năm 2020 xuống còn 1,25% GDP năm 2023, bất chấp những chỉ trích của Mỹ rằng Berlin và nhiều đồng minh khác đang “ăn bám” vào sức mạnh quân sự của Washington.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, nước này đã tăng gần 40% chi tiêu quốc phòng từ năm 2014 và là một trong những nước đóng góp quân hàng đầu cho NATO.

Tổng Thư ký Stoltenberg nói rằng, 2% GDP không phải là sáng kiến của Mỹ mà là mục tiêu của 29 nước đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014, tức trước khi ông Trump vào Nhà Trắng. Ông Trump mong muốn các thành viên NATO phải chia sẻ hơn 2% GDP.

Thậm chí, năm ngoái, ông nói với các nhà lãnh đạo khối rằng, mức đóng góp phải tăng lên 4% GDP, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này, bởi cường quốc hàng đầu thế giới đang rót đến 4,3% GDP cho NATO. Căng thẳng trong nội bộ NATO gia tăng từ đó. Đến năm 2018, chỉ 7/29 thành viên của NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

Các chuyên gia cho rằng, sự “mặc cả” của Tổng thống Trump hướng đến việc đổi lấy những nhượng bộ kinh tế từ châu Âu. Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump tăng thuế đối với một số mặt hàng của Liên minh châu Âu (EU), rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran…, khiến mối quan hệ giữa hai bờ đại dương thêm rạn nứt.

Trong báo cáo của hai cựu đặc sứ Mỹ tại NATO, Nicholas Burns và Douglas Lute nêu rõ: Các đồng minh xem ông Trump là “vấn đề cấp bách và thường là khó khăn nhất” của khối. Theo hai chuyên gia ngoại giao này, các nhà lãnh đạo NATO có thể không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm 2019 nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập khối (4-4-1949 – 4-4-2019), bởi họ e ngại ông Trump sẽ gây căng thẳng và tranh cãi như lần nhóm họp cách đây 2 năm.

Dự kiến các ngoại trưởng NATO nhóm họp tại Washington trong tuần này để tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập khối. Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ở London (Anh) vào tháng 12.

Hiện có 7 quốc gia thuộc NATO dành 2% GDP và hơn mức này cho quốc phòng, bao gồm: Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp, Latvia, Lithuania và Estonia.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.