Nga - Triều chuẩn bị gặp thượng đỉnh

.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm thăm Nga và có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin.  Ảnh: The Independent
Ông Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: The Independent

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều được cho là bước phát triển mới chung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc. Hãng KCNA cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Song, hãng tin này không cho biết cụ thể về thời gian và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều.

Trong khi đó, hãng AP dẫn lời các quan chức và báo chí Nga xác nhận, mọi sự chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đang diễn ra. Điện Kremlin trước đó thông tin, ông Kim Jong-un sẽ gặp ông Putin vào cuối tháng 4 này nhưng cũng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể do những quan ngại về an ninh. Báo chí Nga tiết lộ thêm, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp gỡ ở thành phố cảng Vladivostok của Nga. Thành phố này hiện triển khai hàng loạt biện pháp an ninh. Theo báo Kommersant của Nga, hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức ở Vladivostok vào ngày 25-4.

Các nguồn tin khác cho hay, cả Nga lẫn Triều Tiên đang điều chỉnh lịch trình cuộc gặp, mặc dù hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin ông Putin và ông Kim sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok vào ngày 24-4 hoặc 25-4. Yonhap còn cho hay, ông Kim Chang Son, trợ lý chính của ông Kim Jong-un đã có mặt tại Vladivostok vào ngày 21-4. Quốc kỳ Nga và Triều Tiên cũng được treo tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng, chương trình nghị sự sẽ bao gồm mối quan hệ Nga - Triều, vấn đề phi hạt nhân hóa và sự hợp tác khu vực. “Tôi hy vọng, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ là cơ hội đóng góp vào tiến triển tích cực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-chul phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul.

Theo Reuters, chuyến thăm Nga là một phần nỗ lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài đối với các kế hoạch phát triển kinh tế của ông. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nghĩa là các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn còn đó và Bình Nhưỡng khó mở cửa giao thương với thế giới nếu Washington giữ quan điểm cứng rắn.

Nhiều năm qua, Nga tham gia thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, được bắt đầu vào năm 2009, đều có Nga (bao gồm: hai miền Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Mỹ và Trung Quốc). Tuy nhiên, trong hai lần thượng đỉnh Mỹ - Triều, Nga dường như chỉ đứng bên lề mặc dù Moscow vẫn kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

GS. Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông cho rằng, sau thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, ông Kim Jong-un có lẽ không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ. “Với Nga, cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Kim sẽ một lần nữa xác nhận Moscow là một nhân tố không thể thiếu trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp này rất quan trọng đối với uy tín của Nga”, GS. Lukin nói.

Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Putin sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân như thế nào và chuyến thăm của ông Kim Jong-un có thể mang lại lợi ích kinh tế ra sao cho mỗi bên. Nga hiện muốn tiếp cận hơn nữa nguồn tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng muốn thu hút đầu tư của Moscow để hiện đại hóa các nhà máy công nghiệp, đường sắt và những cơ sở hạ tầng khác. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ Triều Tiên sang Nga chỉ ở mức 1,98 triệu USD; Triều Tiên nhập khẩu 21,6 triệu USD nhiên liệu khoáng sản và dầu mỏ từ Nga, trong tổng số 32,1 triệu USD kim ngạch nhập khẩu tổng thể.

Năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, từng đến Siberia để thảo luận về các dự án đường dẫn khí đốt và đường điện với ông Dmitry Medvedev lúc đó làm Tổng thống Nga. Gần 10 năm qua, tuy các dự án này chưa đạt tiến triển nhưng mối quan hệ giữa Nga với Triều Tiên vẫn luôn phát triển ổn định.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.