Paris, đối với tôi, trong những ngày du học ở một thành phố miền bắc nước Pháp, chỉ là trạm trung chuyển mỗi khi về Việt Nam hoặc đi đâu đó trong nước Pháp. Thực tế, Paris có rất nhiều danh lam thắng cảnh, chứ không chỉ có Nhà thờ Đức Bà, tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine. Cũng vì lẽ đó, tôi chỉ đến nhà thờ này đúng một lần.
Nhà thờ Đức Bà Paris nhìn từ sông Seine. Ảnh: NGỌC TRÂN |
Ấn tượng còn lại trong tôi hôm nay chính là hàng nến trắng người ta thắp bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, phía tay phải cổng ra vào. Hàng nến trắng lung linh, những lời nguyện cầu lâm râm, nhưng do đông người nên tạo thành âm thanh lớn. Nhưng nó không rõ ràng cho lắm, bởi nhiều ngôn ngữ, nhiều sắc dân, mỗi người cầu nguyện một kiểu, trộn lẫn vào nhau.
Tôi không phải là người theo đạo Thiên chúa nên không cầu nguyện mà chỉ ngắm nhìn.
Đến bây giờ, tôi vẫn ấn tượng sâu sắc về những hàng nến trắng và những người thắp nến để nguyện cầu. Hiển nhiên, người cầu nguyện chắc là mong gia đình hạnh phúc, lứa đôi mãi mãi bên nhau, hay cầu tiền của...
Hồi ấy, khách du lịch chưa đông. Nhưng cách đây 3 năm, khi tôi trở lại Paris thì ở những địa điểm như: Tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre, Khải Hoàn Môn đều đông nghịt khách nhàn du. Hẳn Nhà thờ Đức Bà Paris cũng thế.
Hôm nay, khi biết tin nhà thờ bị cháy, xem video thấy khói đen bốc lên trên những mái ngói nhà thờ, lòng tôi dâng lên biết bao thương cảm. Rõ ràng “trái tim Paris” như đang bị tan chảy vào đêm thứ hai định mệnh.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã đi vào văn học với tiểu thuyết cùng tên - “Notre Dame de Paris” do Victor Hugo, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp, viết ra. Tác phẩm này đã được phổ biến khắp thế giới và từng được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” (không hiểu sao người dịch lại bỏ chữ “Paris” và thêm hai chữ “thằng gù”, mặc dù nhân vật chính là thằng gù Quasimodo). Tác phẩm này cũng được dựng thành phim, đi vào cả trong nhạc kịch…
Thực tế, nhờ tác phẩm của Victor Hugo xuất bản năm 1831 mà Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu. Chuyện này chắc không nhiều người biết. Hồi ấy, nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng do không được chăm sóc và nhiều người muốn phá nó để lấy đá… xây cầu! Theo Victor Hugo, kiến trúc Gothic của nhà thờ này là một “cuốn sách bằng đá vĩ đại” mà ông thấy rất tuyệt vời. Nhiều chương trong tiểu thuyết của ông là lời khẩn nài mọi người đừng nghĩ đến chuyện phá nhà thờ. Đây cũng là lời biện hộ cho kiến trúc Gothic được cho là xấu xí trong thời đó. (*)
Tác phẩm “Notre Dame de Paris” đã làm lay động quần chúng; họ cho rằng không thể nào chấp nhận được tình trạng tồi tệ của Nhà thờ Đức Bà Paris nữa. Vào tháng 7-1845, Lưỡng viện Quốc hội Pháp thông qua đạo luật về việc trùng tu nhà thờ. Một tác phẩm văn học mà lại có thể làm biến chuyển tình hình đến như thế, quả thật hiếm!
Giờ thì nhà thờ này bị cháy. Ngay sau khi đám cháy được dập tắt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng ở sân trước nhà thờ đã kêu gọi mọi người góp tiền của để xây dựng lại nhà thờ. Ông Macron gọi Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ của tất cả người Pháp, cả với những người chưa một lần đến đây. Ngay lập tức, tỷ phú François-Henri Pinault cho biết, ông và gia đình sẽ bỏ ra 100 triệu euro (113 triệu USD) để đóng góp cho công việc tái thiết nhà thờ. Hẳn rồi sẽ còn nhiều doanh nghiệp Pháp cũng như người dân quốc gia châu Âu này tiếp bước…
Nhà thờ Đức Bà Paris 850 tuổi không chỉ đồ sộ và đẹp, mà còn là linh hồn của Pháp. Công trình này đã chứng kiến những giai đoạn lịch sử của một đất nước giàu văn hóa và có ý nghĩa về mặt tâm linh đối với toàn dân Pháp.
Đối với tôi, chỉ đến Nhà thờ Đức Bà Paris một lần nên giờ nhớ lại thì ấn tượng nhất là ánh sáng mờ mờ, ảo ảo nhưng ấm áp toát ra từ những ngọn nến trắng. Tôi nghĩ đến những người dân Paris hôm nay quỳ gối than khóc và cầu nguyện khi trái tim của họ bị tổn thương… Có lẽ nhiều năm nữa, người ta sẽ vẫn nhắc đến vụ hỏa hoạn gây chấn động hôm nay.
NGỌC TRÂN
(*) Sự khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất giữa hai lối kiến trúc của thời Trung Cổ: Trong khi kiến trúc Roman xây vòm cong tròn thì kiến trúc Gothic làm vòm nhọn. Kiến trúc Gothic có cửa sổ nhiều hơn và kích thước cửa sổ cũng lớn hơn kiến trúc Roman.