Triều Tiên phản đối lệnh trừng phạt

Thông điệp gửi Mỹ và Hàn Quốc

.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, bằng cách bảo đảm kinh tế tự chủ hơn, nước ông sẽ “giáng đòn mạnh” vào những nước áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 11-4 dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động ngày 10-4 nhấn mạnh: “Chúng ta phải giáng đòn mạnh vào các thế lực thù địch - những kẻ đã sai lầm khi quyết định hạ bệ chúng ta với các lệnh trừng phạt, bằng cách thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội lên mức độ tự lực cao, phù hợp với hoàn cảnh và đất nước của chúng ta, dựa trên sức mạnh, công nghệ và tài nguyên của chúng ta”.

Tuy không đề cập trực tiếp tới Mỹ, nhưng khi liên kết các lệnh trừng phạt với “các thế lực thù địch”, ông Kim có thể đang ám chỉ Washington.

Trong phát biểu của mình, ông Kim Jong-un 27 lần nhắc từ “tự lực cánh sinh”, đồng thời cho rằng nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế tự chủ sẽ quyết định sự thành bại của cách mạng Triều Tiên. Ông cam kết không bao giờ đầu hàng trước các lệnh trừng phạt trong lúc tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Báo chí của Triều Tiên cũng công bố các hình ảnh và đăng thông tin về việc ông Kim Jong-un đến thăm ít nhất 4 dự án kinh tế trong 5 ngày trước đó, bao gồm các khu nghỉ mát phục vụ du lịch và một trung tâm kinh tế ở gần biên giới với Trung Quốc.

Cảnh báo lần này được nhà lãnh đạo CHDCND Kim Jong-un đưa ra trùng thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Mỹ để gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump. Đây là thông điệp khẩn cấp gửi Mỹ và Hàn Quốc trong lúc Seoul nỗ lực làm cầu nối nhằm tái khởi động đàm phán hạt nhân. Hãng Bloomberg cũng cho rằng, phát biểu thể hiện quan điểm cứng rắn của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ làm gia tăng thách thức đối với Tổng thống Moon Jae-in.

Theo đó, ông chủ Nhà Xanh phải tìm tiếng nói chung giữa một bên là yêu cầu của Bình Nhưỡng (gỡ bỏ các lệnh trừng phạt) với một bên là mong muốn của Washington (thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn). Triều Tiên muốn các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ để đổi lấy việc hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Còn Mỹ khăng khăng rằng, “một thỏa thuận lớn” mà cường quốc này muốn là Bình Nhưỡng phải hủy tất cả chương trình hạt nhân và vũ khí khác trước khi Washington dỡ bỏ trừng phạt.

Ông Shin Beomchul, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách an ninh và thống nhất thuộc Viện Asan (Hàn Quốc) nhận định, Triều Tiên sẽ đóng cửa đối thoại nếu các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc không thể hiện sự linh hoạt đối với lệnh trừng phạt. “Phát biểu (của nhà lãnh đạo Triều Tiên) sẽ là gánh nặng cho Tổng thống Moon Jae-in. Nếu lệnh trừng phạt vẫn duy trì, Triều Tiên có thể không trở lại đối thoại trong một thời gian”, ông Shin Beomchul nói.

Theo ông David Kim, nhà phân tích tại Trung tâm Stimson và là cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in đang quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên. “Ông Moon đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau và tôi tin rằng ông ấy có thể thực hiện được một lần nữa nếu họ có thể thống nhất thúc đẩy tiến trình”, ông David nhấn mạnh.

Trong thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn gặp gỡ tại Washington, Triều Tiên cũng tiến hành phiên họp đầu tiên của Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) khóa 14. Bình Nhưỡng cũng sẽ tổ chức mừng sinh nhật người sáng lập đất nước, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, tức ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vào ngày 15-4. Dịp này, Bình Nhưỡng thường thể hiện sức mạnh quân sự.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.