Căng thẳng Mỹ - Iran chưa "hạ nhiệt"

.

Việc Iran chính thức ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gây nhiều quan ngại về nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ. Tuy nhiên, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei khẳng định, căng thẳng hiện nay là cuộc thử nghiệm về quyết tâm hơn là đụng độ quân sự.

Máy bay B52 của Mỹ được triển khai đến Trung Đông. Ảnh: Reuters
Máy bay B52 của Mỹ được triển khai đến Trung Đông. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn ISNA ngày 15-5 cho biết, theo một chỉ thị từ Hội đồng An ninh Tối cao Iran, Tehran chính thức bắt đầu tăng kho dự trữ uranium làm giàu thấp và nước nặng nhằm giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với nhóm cường quốc P5+1 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA).

Tuần trước, Iran thông báo với Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ về quyết định ngừng một số cam kết trong JCPOA để đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo JCPOA, Iran được phép làm giàu uranium ở mức thấp (3,67%), với giới hạn 300kg và sản xuất nước nặng không vượt quá 130 tấn; đồng thời giảm số lượng máy ly tâm trong 10 năm. JCPOA buộc Iran phải minh bạch và giảm làm giàu uranium, công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được tháo gỡ cấm vận dần dần trong thời gian 10 năm (từ năm 2015-2025).

Giờ đây, Iran không còn hạn chế làm giàu uranium và sản xuất nước nặng, thậm chí có thể làm giàu uranium mức 20% trong vòng 4 ngày. Iran hiện có hơn 5.000 máy ly tâm ở nhà máy Natanz và có thể nối lại hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ 20% tại nhà máy Fordow trong vòng 4 ngày.

Mặc dù Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng các nhà khoa học cho rằng, quá trình làm giàu uranium tới 20% chiếm phần lớn trong những công việc cần thiết để có được uranium ở mức làm giàu 90% hoặc cao hơn, nghĩa là đủ để sản xuất vũ khí nguyên tử.

Động thái ban đầu của Iran chỉ là dọa ngừng tuân thủ JCPOA. Song, điều kiện mà Iran đưa ra là trong vòng 60 ngày, các cường quốc phải bảo vệ nền kinh tế của Tehran trước sự trừng phạt của Mỹ, nếu không nước này sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn. “Tối hậu thư” của Iran bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Đức, Anh và Pháp bác bỏ, đẩy căng thẳng gia tăng.

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi khẳng định, Tehran có thể thực thi nhiều biện pháp, trong đó có việc rút khỏi JCPOA nếu vấn đề hạt nhân bị đưa ra thảo luận lại tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Kamalvandi lý giải, quyết định đình chỉ một số cam kết trong JCPOA nhằm tạo điều kiện để châu Âu có thời gian tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết, đồng thời đưa thỏa thuận quốc tế này trở lại đúng hướng.

Trong lúc đó, có những quan ngại về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran, nhất là khi Washington điều động nhiều khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có các máy bay ném bom và hàng không mẫu hạm đến Trung Đông.

Ngày 15-5, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán nước này ở thủ đô Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil rời khỏi Iraq trong lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang. Song, Washington không cung cấp bằng chứng cho thấy nguyên nhân do các mối đe dọa gia tăng từ Tehran.

Báo USA Today dẫn lời một quan chức Iran nhận định, Mỹ đang chơi “một trò chơi rất nguy hiểm” bằng việc đẩy Iran vào cuộc chiến tranh không cần thiết. Đại sứ Iran tại Vương quốc Anh Hamid Baeidinejad phát biểu với báo giới rằng, tàu sân bay và các máy bay ném bom B52 của Mỹ đến vịnh Persian nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran là “tính toán sai lầm nghiêm trọng”.

Về phía Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định sẽ không có bất cứ cuộc chiến tranh nào với Mỹ bởi cả hai nước đều không theo đuổi chiến tranh. Theo ông Khamenei, căng thẳng Iran - Mỹ hiện nay là cuộc thử nghiệm về quyết tâm hơn là đụng độ quân sự. Iran vẫn giữ quan điểm cứng rắn: không đàm phán với Mỹ chừng nào Washington còn theo đuổi chính sách thù địch chống Tehran.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng bác bỏ khả năng điều 120.000 binh sĩ đến Trung Đông. Như vậy, xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran trước mắt có thể không xảy ra, nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu, bởi sau khi cho rằng việc điều 120.000 binh sĩ chỉ là tin đồn, nhưng chính ông Trump sau đó lại nói: “Tôi sẽ làm điều đó chứ? Chắc chắn rồi” (!).

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.