Căng thẳng ở vùng Vịnh

.

Trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, lại thêm việc các tàu chở dầu và đường ống dẫn dầu chính của Saudi Arabia bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái, chiến tranh có thể bùng nổ ở vùng Vịnh bất kỳ lúc nào nếu một trong các bên thiếu kiềm chế.

Kho cảng của Iran có công suất chứa 30 triệu thùng dầu trên đảo Kharg, gần eo biển Hormuz.  Ảnh: Getty Images
Kho cảng của Iran có công suất chứa 30 triệu thùng dầu trên đảo Kharg, gần eo biển Hormuz. Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ giữa Mỹ - Iran - Saudi Arabia đang căng thẳng chưa từng có khi cả Washington lẫn Riyadh đều gia tăng áp lực với Tehran. Mặc dù khẳng định không muốn gây chiến nhưng Washington đang chuẩn bị nguồn lực ngoại giao và quân sự cần thiết cho phản ứng có thể xảy ra trong trường hợp Tehran có “hành động thù địch”.

Còn Riyadh cáo buộc Tehran đã ra lệnh máy bay không người lái tiến hành không kích nhằm vào 2 đường ống dẫn dầu chính của nước này. Trước đó, 4 tàu chở dầu, trong đó có 2 tàu của Saudi Arabia, bị tấn công gần khu vực Fujairah của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bên ngoài eo biển Hormuz và Iran bị cho là liên quan vụ việc.

Saudi Arabia ngày 19-5 tuyên bố không muốn chiến tranh nhưng phải tự bảo vệ mình trước Iran. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói rằng, Saudi Arabia không muốn chiến tranh xảy ra ở khu vực và không tìm kiếm một cuộc chiến như thế, nhưng nếu bên kia chọn chiến tranh, vương quốc này sẽ đáp trả bằng tất cả sức mạnh và quyết tâm nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.

Hãng AP cho rằng, mối lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự gia tăng sau khi Mỹ điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông hồi đầu tháng 5 này nhằm đối phó với điều mà Washington gọi là “các mối đe dọa từ Iran”. Mỹ cũng rút các nhân viên ngoại giao không trọng yếu từ Iraq về nước, với lý do được đưa ra là tránh các mối đe dọa từ những tổ chức vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như “hạ giọng” với việc bày tỏ mong muốn Iran tìm kiếm đàm phán với chính phủ của ông và khẳng định không muốn chiến tranh với Iran. Tổng thống Trump được cho là đang tìm một giải pháp ngoại giao, nhưng các cố vấn cao cấp của ông lại ủng hộ quan điểm cứng rắn với Tehran, nhất là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton - người có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống G.W.Bush tiến hành xâm lược Iraq. Ông Bolton chủ trương chiến tranh trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện giữ lập trường cứng rắn nhưng vẫn ủng hộ các biện pháp gây áp lực về kinh tế và quân sự để “buộc Iran đầu hàng”.

Thực chất, chính ông Trump đã khơi mào căng thẳng bằng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), đồng thời áp đặt trừng phạt Iran, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ nhằm cô lập kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đáp lại, Iran tuyên bố sẽ nối lại việc làm giàu uranium ở mức độ cao hơn nếu các nước không đạt được thỏa thuận hạt nhân mới trước ngày 7-7 tới. Với việc làm giàu uranium ở mức độ cao, Iran sẽ tiến gần hơn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Mỹ lo ngại và kiên quyết phản đối.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, chiến tranh sẽ không xảy ra tại vùng Vịnh khi Tehran không hề muốn xung đột. Nhưng theo Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), Tướng Hossein Salami, Tehran không theo đuổi chiến tranh nhưng cũng không sợ chiến tranh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhận định, “quả bóng” hiện ở trong sân của Iran và phụ thuộc vào động thái của Tehran, nghĩa là chỉ cần nước này châm ngòi thì chiến tranh sẽ bùng phát (!?). Saudi Arabia và Iran vẫn coi nhau là đối thủ, thậm chí là kẻ thù trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.

Với những diễn biến nói trên, các nhà quan sát có cơ sở để nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể đi từ “khẩu chiến”, “đe dọa”, “trừng phạt” đến “xung đột quân sự”. Chiến tranh có thể bùng nổ ở vùng Vịnh bất kỳ lúc nào nếu một trong các bên thiếu kiềm chế. Nhưng kịch bản chiến tranh không phải là sự lựa chọn khôn ngoan cho cả Washington lẫn Tehran, hay “nước thứ ba” như Riyadh.

Quốc vương Saudi Arabia Salman đã mời các nhà lãnh đạo ở vùng Vịnh và Arab tham dự hội nghị khẩn cấp ở Mecca vào ngày 30-5 tới để bàn thảo về các vụ tấn công vào những tàu chở dầu và đường ống dẫn dầu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chính, trong đó có Nga, cũng nhóm họp trong ngày 19-5 do lo ngại thị trường dầu mỏ sẽ bất ổn, gây ảnh hưởng đến nguồn cung, nhất là khi Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận tải đường biển mang tính chiến lược.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.