Quốc hội Anh dự kiến bỏ phiếu lần thứ 4 về thỏa thuận Brexit vào đầu tháng 6. Nếu “canh bạc” này thất bại, Thủ tướng Theresa May sẽ công bố kế hoạch từ chức.
Thủ tướng Anh Theresa May và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Brexit. Ảnh: Evening Standard |
Mặc dù cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 tại Hạ viện chưa diễn ra và được dự báo nhiều khả năng thất bại như 3 lần trước, nhưng sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Theresa May dường như sắp khép lại khi bà dự kiến công bố kế hoạch từ chức. Song, cũng có những nguồn tin rằng, dù kết quả bỏ phiếu như thế nào thì bà cũng sẽ thông báo thời điểm rời nhiệm sở, chứ không thể chần chừ hơn nữa. Theo CNN, điều đó có nghĩa đảng Bảo thủ sẽ tổ chức chọn lãnh đạo mới, cũng là thủ tướng mới của Anh trong mùa hè này, trước thời điểm đảng cầm quyền tổ chức hội nghị thường niên vào tháng 9.
Việc bà May từ chức là điều sớm hay muộn trong lúc Brexit không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đàm phán - đổ vỡ - gia hạn. Sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng làm gia tăng áp lực lên bà May sau khi đảng trung hữu này chịu thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 2-5 vừa qua.
Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11-2018 đã bị Hạ viện Anh bác bỏ 3 lần. Nhà lãnh đạo này buộc phải xin lùi thời hạn Brexit hai lần. Theo đó, thay vì ngày 29-3 thì đến ngày 31-10 Anh mới chính thức rời EU, nhưng vẫn chưa rõ quốc gia châu Âu này có rời “ngôi nhà chung” vào thời điểm đã vạch ra hay không.
Giữa lúc cơ hội cứu thỏa thuận Brexit và tương lai chính trị của Thủ tướng May trở nên mong manh nhất, đàm phán giữa đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit đã kết thúc vào ngày 17-5 mà không mang lại kết quả nào.
Hãng Reuters cho biết, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã gửi thư cho Thủ tướng May tuyên bố chấm dứt tiến trình đàm phán bởi các cuộc thảo luận “đã đi quá xa” và để lại “những khoảng trống chính sách quan trọng” giữa hai bên. Ông Corbyn cho rằng, chính phủ của Thủ tướng May trở nên không ổn định nên Công đảng không tin tưởng khả năng bảo đảm bất kỳ thỏa thuận nào. Ông Corbyn khẳng định, đảng này sẽ phản đối thỏa thuận Brexit khi văn kiện này được đưa trở lại Quốc hội vào đầu tháng 6 tới.
Điều mà Công đảng mong muốn là duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU nhưng nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ không chấp nhận mối quan hệ này. Trong khi đó, chính phủ của bà May muốn tự do ký kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác trên thế giới sau khi rời EU. Song, nếu tiếp tục ở lại liên minh thuế quan, Anh không thể được trao “quyền tự do thương mại” như vậy. Hơn nữa, đảng Bảo thủ cũng lo ngại, thỏa thuận của hai đảng sẽ bị “chết yểu” dưới thời người kế nhiệm của bà May.
Nhà phân tích thị trường OANDA Jeffrey Halley cho rằng, cơ hội tìm kiếm một giải pháp Brexit khả thi đã thất bại. Hãng Reuters nhận định, Brexit vẫn bế tắc. Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vẫn đối mặt với các kịch bản: có hay không có thỏa thuận Brexit, hoặc tổ chức tổng tuyển cử, hoặc tiến hành trưng cầu dân ý lần hai. Nếu dự luật Brexit tiếp tục thất bại tại Hạ viện, nước Anh sẽ đối mặt với hai khả năng: hoặc rời EU mà không có thỏa thuận hoặc rút lại điều khoản 50, đồng nghĩa với việc không có Brexit nữa.
PHÚC NGUYÊN