Cơ hội hòa bình cho Afghanistan

.

Cuộc chiến tranh ở Afghanistan bắt đầu từ năm 2001, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Taliban không bị tiêu diệt hoàn toàn, mà trở thành lực lượng đối trọng với chính quyền Kabul hiện nay và quân đội Mỹ đồn trú ở Afghanistan. Để có một giải pháp chính trị cho Afghanistan, cả chính quyền Kabul lẫn Mỹ đang có sự chuyển hướng về lực lượng Taliban bằng việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Tính đến nay, Mỹ và Taliban đã tổ chức nhiều vòng đàm phán tại một quốc gia trung gian. Sau các cuộc đàm phán mới đây nhất, đặc phái viên Mỹ về hòa bình tại Afghanistan Zalmay Khalilzad khẳng định đã có một số tiến bộ hướng tới thỏa thuận về việc Washington rút quân khỏi Afghanistan, cũng như các biện pháp mà Taliban sẽ thực thi nhằm ngăn chặn các tay súng cực đoan sử dụng quốc gia Nam Á này làm bàn đạp cho các vụ tấn công như cách mà tổ chức Al-Qaeda đã làm trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001.

Trong khi đó, Nga, Mỹ, Trung Quốc đã có cuộc tham vấn lần hai về tình hình Afghanistan và đạt được 3 đồng thuận cơ bản:

Một là, Nga, Mỹ và Trung Quốc nhấn mạnh rằng, họ tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Afghanistan cũng như quyền của nước này trong việc lựa chọn lộ trình phát triển riêng. Ba bên kêu gọi các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi Afghanistan một cách trật tự và có trách nhiệm như một phần của tiến trình hòa bình.

Hai là, Nga, Mỹ và Trung Quốc công nhận khao khát của người dân Afghanistan đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, thúc giục tất cả các bên thực thi các biện pháp lập tức và hiệu quả để giảm bạo lực. 3 quốc gia này cũng kêu gọi phiến quân Taliban ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển mộ, huấn luyện và gây quỹ, đánh đuổi tất cả phần tử khủng bố, khuyến khích cuộc hòa đàm giữa Taliban và một phái đoàn đại diện với sự tham gia của chính phủ Afghanistan.

Ba là, nhất trí tiếp tục tham vấn và sẽ quyết định thông qua các kênh ngoại giao về thời điểm cũng như số nước tham gia cuộc gặp sắp tới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong nỗ lực nhằm tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan.

Đặc biệt, từ ngày 29-3 đến 4-5, tại thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani triệu tập hội nghị hòa bình toàn quốc, còn gọi là Đại hội đồng các bộ lạc (Loya Jirga), với sự tham dự của hơn 3.200 đại biểu, gồm các chính trị gia, thủ lĩnh bộ lạc và nhiều nhân vật có uy tín, được chia thành hàng chục ủy ban để thảo luận một số vấn đề, trong đó có việc ngừng bắn, quyền của phụ nữ trong việc duy trì giáo lý của đạo Hồi cũng như đường hướng đàm phán với lực lượng Taliban. Ông Ghani tuyên bố phải thiết lập hòa bình để phát triển kinh tế và giúp đất nước giảm phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài.

Mặc dù Loya Jirga đóng vai trò tham vấn và các khuyến nghị của hội đồng không có tính ràng buộc đối với ông Ghani, nhưng sự kiện này nhấn mạnh nỗ lực của chính phủ Afghanistan nhằm đề ra một lập trường thống nhất. Đa số các đại biểu Loya Jirga  đề nghị ngừng bắn ngay lập tức, ủng hộ hòa đàm giữa Kabul và Taliban, đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu. Đây là yêu sách đã tồn tại từ lâu của Taliban và cũng là “nút thắt” để lực lượng này tham gia tiến trình hòa bình.

Những diễn biến trên cho thấy, việc chính phủ Afghanistan đối thoại nội bộ, cũng như cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm kiếm các thỏa thuận để thúc đẩy các giải pháp chấm dứt xung đột, kiến tạo nền hòa bình bền vững được dư luận thế giới quan tâm và hoan nghênh. Nếu không sớm có giải pháp hòa bình, an ninh và cuộc sống của người dân Afghanistan tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng; kinh tế đất nước không phát triển. Sự bất ổn cũng là mảnh đất màu mỡ cho các phần tử khủng bố như Al-Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm nhập, chiêu mộ lực lượng và tiến hành các vụ tấn công.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.