Bất chấp việc Iran thông báo ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Mỹ vẫn lên kế hoạch sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (hàng trước, bìa trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (hàng trước, giữa) gặp gỡ tại Moscow, đề cập việc Mỹ gây áp lực lên Tehran liên quan thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang đúng một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 vào năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA). Những diễn biến mới không bất ngờ, bởi ông Trump vốn không chấp nhận một thỏa thuận mà ông cho là quá “hào phóng” với Iran; hơn nữa, đội ngũ cố vấn thân cận của ông, trong đó hai nhân vật quan trọng là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, đều giữ quan điểm cứng rắn với Iran, xem quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này là lực lượng gây bất ổn ở Trung Đông và mối đe dọa chết người cho quân đội Mỹ đang đồn trú ở khu vực. Việc Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và biệt đội máy bay ném bom đến Trung Đông vào cuối tuần qua nhằm gửi thông điệp răn đe Iran, đồng thời dự báo những căng thẳng mới.
“Sớm có thêm nhiều biện pháp trừng phạt”
Hãng AFP cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra “tối hậu thư” rằng, trong vòng 60 ngày tới, nước ông sẽ giảm dần các cam kết trong JCPOA. Theo đó, nếu các nước còn lại trong JCPOA (gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga) đạt được thỏa thuận, việc đình chỉ sẽ được đảo ngược; trong trường hợp ngược lại, Iran sẽ không còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ không làm giàu uranium dưới một mức độ nhất định và có thể khôi phục lò phản ứng hạt nhân nước nặng hiện đóng cửa ở Arak. “Tối hậu thư” nhằm gây áp lực cho các đồng minh châu Âu của Mỹ để những nước này có động thái mạnh mẽ bảo vệ thỏa thuận.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ phớt lờ “tối hậu thư” bằng việc nhanh chóng ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Theo đó, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào giao dịch hoặc mua sắt, thép, nhôm và đồng của Iran. Trên Twitter, ông Trump cảnh báo Iran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng “dịu giọng” rằng sẵn sàng gặp trực tiếp các nhà lãnh đạo Iran “vào một ngày nào đó” để tìm kiếm thỏa thuận.
Ông Tim Morrison, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ kiêm Giám đốc Cơ quan phụ trách vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí sinh học cho biết, Washington vẫn chưa xong các biện pháp trừng phạt Iran. “Sẽ sớm có thêm nhiều biện pháp trừng phạt. Rất sớm”, ông Morrison nói. Vị trợ lý đặc biệt này khuyến cáo các ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu không tham gia cơ chế mục đích đặc biệt (SPV), một hệ thống do châu Âu thiết lập nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh không qua giao dịch bằng đồng USD với Iran.
Iran không phải là Iraq năm 2003
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, khó có khả năng các nhà lãnh đạo Iran muốn gặp ông Trump, người liên tiếp đe dọa nước của họ. Theo khuôn khổ JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn đến việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, số phận JCPOA luôn bị đe dọa và đến nay thì chẳng khác gì bên bờ vực thẳm.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Java Zarif lý giải, việc Tehran ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ JCPOA không vi phạm các điều khoản ban đầu của thỏa thuận và nước ông có 60 ngày để thực hiện các biện pháp ngoại giao cần thiết. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, cách hành xử vô trách nhiệm của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran gia tăng. Chính ông Brian Hook, đặc phái viên của Mỹ về Iran thừa nhận Washington tập trung cô lập về ngoại giao và gây áp lực về kinh tế với nước này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây khó khăn cho nền kinh tế Iran. Tìm phản ứng phù hợp là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Rouhani. Song, theo CNN, chính Mỹ (chứ không phải Iran) đã đơn phương rút khỏi JCPOA và chính cường quốc hàng đầu thế giới từ năm ngoái đã khơi mào cho việc hủy hoại thỏa thuận này bằng các biện pháp trừng phạt, gây khó khăn cho Iran trong xuất khẩu dầu mỏ, ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ (đồng rial).
Tuy nhiên, không phải là Iraq dưới thời Saddam Hussein năm 2003, Iran là một cường quốc của khu vực, một quốc gia có 80 triệu dân vốn đã củng cố ảnh hưởng ở Iraq, Syria, Lebanon và cả ở Yemen. Vì vậy, nếu cả Mỹ lẫn Iran đều không có những bước đi thận trọng, căng thẳng sẽ có thể leo thang hơn nữa thành xung đột quân sự.
PHÚC NGUYÊN