Việc Mỹ bất ngờ triển khai một nhóm tàu sân bay và một biệt đội máy bay ném bom đến Trung Đông nhằm gửi thông điệp răn đe Iran trong lúc căng thẳng giữa hai nước gia tăng.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln lớp Nimitz được điều đến Trung Đông. Ảnh: Reuters |
Hãng AFP dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton xác nhận, chính phủ của ông sẽ triển khai nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một biệt đội máy bay ném bom đến khu vực hoạt động của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (bao gồm Trung Đông) nhằm gửi thông điệp “rõ ràng và không thể nhầm lẫn” tới Iran rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những lợi ích và đồng minh của Washington đều phải đối mặt với “lực lượng tàn nhẫn”.
Trong một tuyên bố vào đêm 5-5 (giờ Washington), ông Bolton nhấn mạnh: “Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với chính phủ Iran nhưng chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công nào, dù của lực lượng ủy nhiệm, lực lượng Cách mạng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) hay các lực lượng Iran thông thường”.
Khu vực Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ mà ông Bolton nhắc đến nghĩa là tàu USS Abraham Lincoln đi về phía đông đến Biển Đỏ và có thể sau đó đến Biển Arab hoặc vịnh Persia. Hải quân Mỹ hiện không có tàu sân bay ở vịnh Persia.
Ông Bolton không đề cập cụ thể lý do Mỹ triển khai lực lượng nói trên đến vùng Vịnh, chỉ nói rằng quyết định này nhằm phản ứng với những dấu hiệu và cảnh bảo nguy cơ rắc rối cũng như leo thang căng thẳng tại khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay, động thái của Washington không liên quan đến căng thẳng ở Gaza, nơi xảy ra xung đột giữa các chiến binh Palestine và Israel trong những ngày gần đây.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln trước đó đã được điều đến vùng Vịnh, cả khi xảy ra cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003. Việc triển khai lực lượng lần này được thực hiện trong lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân. Cách đây 1 năm, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn được Tehran ký với nhóm cường quốc P5+1 vào năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA); đồng thời gây sức ép tối đa nhằm kiềm chế vai trò của nước Cộng hòa Hồi giáo này ở khu vực.
Tháng 4 vừa qua, Mỹ tuyên bố IRGC là tổ chức khủng bố nước ngoài. Đáp lại, Iran tuyên bố sẽ chặn eo biển Hormuz - eo biển chiến lược đối với hoạt động vận chuyển dầu toàn cầu, nếu Tehran bị cản trở tiếp cận khu vực này. Mỹ cũng chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này khiến giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2018 khi các nhà nhập khẩu chịu sức ép ngừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Một năm sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, kinh tế của Iran chịu các biện pháp trừng phạt mới. Nhà phân tích Henry Rose thuộc Tập đoàn tư vấn Eurasia của Mỹ cho rằng, tình hình kinh tế của Iran hiện rất xấu và càng trở nên xấu hơn. Song, Tehran một mặt theo đuổi JCPOA, một mặt cảnh báo sự kiên nhẫn có giới hạn. Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli nói rằng, Mỹ đã sử dụng chiến thuật gây sức ép kinh tế hà khắc và nước ông sẽ không đàm phán với Washington nữa. Trước đó, Iran nhấn mạnh không tái đàm phán với Mỹ dưới áp lực trừng phạt, nhưng giới chức Tehran để ngỏ khả năng đối thoại nếu Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Theo hãng tin Bloomberg, một trong những thành tựu lớn nhất của Iran trong những năm gần đây là được thế giới công nhận quyền làm giàu uranium phù hợp với nhiên liệu hạt nhân. Nhưng chính phủ của ông Trump muốn Iran ngừng hoạt động làm giàu uranium nhạy cảm. Từ ngày 4-5, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc hỗ trợ Iran mở rộng nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Hiện nhà máy này có 1 lò phản ứng do Nga sản xuất, bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Iran có kế hoạch mở rộng nhà máy Bushehr nên cùng Moscow ký thỏa thuận lắp đặt thêm 8 lò phản ứng. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng khẳng định, Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium ở cấp độ thấp, phù hợp với thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. |
PHÚC NGUYÊN