Mỹ tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông

.

Ngày 17-6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran sau các vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman hồi tuần trước.

Lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: CNN
Lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: CNN

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố việc triển khai quân bổ sung này nhằm mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông. Song ông Shanahan cũng cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực. Ông Patrick Shanahan khẳng định Washington không "tìm kiếm xung đột với Iran" nhưng Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục "thực hiện những điều chỉnh binh lực khi cần thiết".

Trong khi đó, ngày 16-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" giữa lúc quan hệ với Iran gia tăng căng thẳng, trong đó có cả những lựa chọn quân sự.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của kênh CBS, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Mỹ đang cân nhắc mọi lựa chọn. Chúng tôi đã báo cáo Tổng thống Trump vài lần và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cho ông ấy." Quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể triển khai một loạt hành động nhằm khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự.

Trong sự cố có thể là "tấn công" bằng ngư lôi hoặc mìn từ tính ngày 13-6 vừa qua trên Vịnh Oman, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.

Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Tehran kiên quyết cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ. Để chứng minh cáo buộc, Mỹ tung ra đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là mìn còn sót lại được gắn bên hông tàu Kokuka Courageous. Trước tình hình căng thẳng leo thang và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, Washington đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh để đề phòng.

Hình ảnh khói bốc ngùn ngụt từ một trong hai tàu chở dầu được cho là bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh khói bốc ngùn ngụt từ một trong hai tàu chở dầu được cho là bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ngày 17-6, quân đội Iran bác bỏ việc đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13-6 vừa qua, khẳng định nếu Tehran quyết định chặn Eo biển Hormuz, cửa ngõ vận chuyển dầu mỏ tại khu vực vùng Vịnh, nước này sẽ công khai thực hiện.

Hãng thông tấn bán chính thức Far dẫn lời Tham mưu  trưởng Các lực lượng Vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohamad Bageri nêu rõ: "Liên quan tới những diễn biến mới trên... nếu quyết định phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu thông qua Eo biển Hormuz, thì về mặt quân sự chúng tôi đủ mạnh để làm điều đó một cách công khai và triệt để".

Ngày 17-6, một quan chức an ninh cấp cao Iran nói rằng Tehran chịu trách nhiệm đối với an ninh vùng Vịnh và kêu gọi các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua.

Hình ảnh được cho là tàu tuần tra của hải quân Iran di chuyển một quả ngư lôi chưa nổ và tiếp cận tàu chở dầu Kokuka Courageous do một công ty Nhật Bản vận hành, trên Vịnh Oman ngày 13-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh được cho là tàu tuần tra của hải quân Iran di chuyển một quả ngư lôi chưa nổ và tiếp cận tàu chở dầu Kokuka Courageous do một công ty Nhật Bản vận hành, trên Vịnh Oman ngày 13-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng truyền thông Irib dẫn phát biểu của ông Ali Shamkhani, Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Tối cao Iran nêu rõ: “Chúng tôi luôn luôn nói rằng, chúng tôi đảm bảo an ninh ở vịnh Persian và Eo biển Hormuz. Chúng tôi nhắc lại quan điểm của mình và kêu gọi các lực lượng Mỹ chấm dứt sự hiện diện trong khu vực bởi họ là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng và bất ổn”.

Trước đó, ngày 13-6, tàu Kokuka Courageous bị tấn công khi đang trên đường chở 25.000 tấn methanol đến cảng Khor Fakkan của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA). Một tàu chở dầu khác là Front Altair của Na Uy cũng bị tấn công cùng ngày. Vụ việc lập tức đẩy tình hình Trung Đông và quan hệ Iran-Mỹ vào vòng xoáy căng thẳng mới.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.