Iran để ngỏ cánh cửa ngoại giao và cho châu Âu 60 ngày để cứu thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Song, trước sức ép của Mỹ, cánh cửa này thực sự hẹp đối với P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Người phát ngôn Cơ quan Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi (trái), người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei (giữa) và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tham dự buổi họp báo tại Tehran ngày 7-7. Ảnh: AP |
Ngày 8-7, phát biểu với báo giới tại thủ đô Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định, châu Âu có 60 ngày để cứu thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, thời hạn cuối là ngày 5-9. Ngoài cơ hội cuối cùng này, Iran sẽ không đưa ra thêm thời hạn nào nữa.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gửi thư đến Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, vạch ra các bước mà Tehran đã thực hiện. Ông Zarif cho hay, các cuộc thảo luận với các cường quốc châu Âu vẫn diễn ra và đàm phán cấp bộ trưởng sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.
Mặc dù Iran để ngỏ cánh cửa ngoại giao nhưng “không có hy vọng” cho cộng đồng quốc tế cứu vãn JCPOA khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đã phá vỡ giới hạn làm giàu uranium, như thừa nhận của người phát ngôn Mousavi. Tỷ lệ làm giàu uranium được chính thức xác nhận vượt ngưỡng 4,5% và người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi hàm ý rằng, Tehran có thể xem xét gia tăng mức làm giàu uranium lên 20% hoặc cao hơn, đồng thời bổ sung các máy ly tâm hoặc sử dụng các máy ly tâm mới, vốn bị hạn chế theo JCPOA.
Khả năng này làm các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân lo lắng vì 20% là bước kỹ thuật ngắn để tiến đến cấp độ vũ khí. Các chuyên gia e ngại bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột, nhất là khi Tổng thống Donald Trump từng ra lệnh tấn công Iran nhưng đã rút lại quyết định này ngay sau đó.
Tương lai của JCPOA, thỏa thuận mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 sau hành trình đàm phán chông gai suốt 12 năm, hiện vẫn là ẩn số ở thời điểm tròn 1 năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Sự lập lờ của Iran thể hiện rõ trong tuyên bố của ông Mousavi: “Chúng tôi không có hy vọng, cũng không có niềm tin vào bất kỳ ai, hay bất kỳ nước nào, nhưng cánh cửa ngoại giao vẫn mở”. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cũng khẳng định, cánh cửa đàm phán rộng mở. “Điều quan trọng là các bên cần tìm ra những thay đổi và giải pháp đáp ứng nhu cầu của chúng tôi, chủ yếu liên quan lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng”, ông Araqchi nói.
JCPOA khống chế mức làm giàu uranium của Iran là 3,67% trong vòng 15 năm; đổi lại, các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Mức 3,67% vừa đủ để sản xuất năng lượng, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Tehran đã thực hiện trước khi ký thỏa thuận.
Ông Trump giờ đây cảnh báo Iran hãy “cẩn thận” với quyết định gia tăng hoạt động làm giàu uranium. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng, động thái của Iran sẽ khiến nước này bị cô lập và trừng phạt. Còn Iran nêu điều kiện Mỹ có thể tham gia đàm phán nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Tehran.
P4+1 đang chật vật phản ứng với những diễn biến này. Dĩ nhiên các đối tác còn lại trong JCPOA muốn cứu thỏa thuận nhưng khó vượt qua sức ép của Mỹ. EU bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự vượt ngưỡng của Iran và muốn Tehran hủy bỏ kế hoạch này. Trung Quốc cho rằng, hành động “bắt nạt đơn phương” của Washington là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran leo thang.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi tất cả các bên sử dụng ngoại giao để vượt qua khủng hoảng. Theo ông Peskov, Nga từng cảnh báo, việc Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA cách đây 1 năm sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho an ninh toàn cầu.
PHÚC NGUYÊN