Phớt lờ cảnh báo của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Iran tuyên bố sẽ tăng lượng dự trữ uranium làm giàu vượt giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 kể từ ngày 7-7 tới. Động thái này sẽ càng làm số phận của thỏa thuận lịch sử thêm mong manh.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bìa phải) tham dự buổi công bố thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào tháng 9-2015. Ảnh: AFP |
Trong cuộc họp nội các ngày 3-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, vào ngày 7-7, mức độ làm giàu uranium sẽ không còn 3,67% nữa mà Tehran sẽ chính thức vượt quá tỷ lệ này, thậm chí lên bất kỳ mức nào mà quốc gia này muốn, miễn là thấy cần thiết.
Theo quy định của thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Tehran đã thực hiện trước khi ký thỏa thuận.
Giờ đây, nếu các bên còn lại của JCPOA, gồm 4 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức trở lại tuân thủ các cam kết, Iran sẽ giảm lượng uranium làm giàu xuống dưới ngưỡng 300kg được quy định trong thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên còn lại không tuân thủ đầy đủ cam kết thì ngày 7-7, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ hoạt động trở lại và làm giàu uranium tới mức nào mà Iran muốn, tức cao hơn giới hạn 3,67%.
“Chúng tôi sẽ duy trì cam kết của thỏa thuận khi các bên thực hiện cam kết. Chúng tôi sẽ hành động 100% theo JCPOA khi các bên cũng hành động 100%”, ông Rouhani nói.
Thực chất, trước đó, Iran luôn đe dọa không tuân thủ JCPOA để gây áp lực buộc Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức phải cứu thỏa thuận này sau việc Mỹ đơn phương rút lui. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng xác nhận việc nước ông đã vượt quá hạn mức 300kg dự trữ uranium nên tuyên bố của Tổng thống Rouhani không còn là lời đe dọa nữa.
Tại Brussels (Bỉ) ngày 2-7 (giờ địa phương), các Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái của Iran. Tuyên bố chung của 3 ngoại trưởng cùng đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU nêu rõ, việc các nước phương Tây duy trì cam kết hay không phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran, đồng thời kêu gọi Tehran đảo ngược quyết định và kiềm chế để không làm suy yếu thỏa thuận.
Việc Iran vượt quá “giới hạn đỏ” được cho là đang làm lung lay một công cụ thiết yếu phục vụ mục đích không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đây cũng là bước đi khó tránh của nước Cộng hòa Hồi giáo khi đối mặt với nhiều sức ép từ Mỹ, nhất là các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đàm phán một “thỏa thuận tốt hơn” để ngăn chặn chương trình tên lửa của Iran, thay vì một “thỏa thuận hào phóng”, nhưng Tehran không chịu đàm phán khi nền kinh tế và các nhà lãnh đạo của họ là những mục tiêu của Washington. Chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Iran như một ngọn lửa chờ bùng cháy và Tehran cho rằng hành động trừng phạt của Washington là dấu chấm hết cho nỗ lực đàm phán ngoại giao.
EU cũng chịu nhiều sức ép từ Mỹ nên đã thiết lập công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại của châu Âu (INSTEX) để duy trì các hoạt động thương mại với Iran, bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo trong bối cảnh Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani cho rằng, INSTEX thực chất vô nghĩa đối với Iran và cơ chế này đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Cả Iran lẫn EU rơi vào thế khó nên việc cứu vãn JCPOA trong lúc này dường như là điều không thể, khi Mỹ kiên quyết không mềm mỏng với Tehran. Song, chắc chắn Washington và Tehran đều không muốn đẩy căng thẳng đi quá xa thành xung đột quân sự. Trong khi đó, Israel lại muốn Mỹ cứng rắn với Iran hơn, chẳng hạn bằng việc trừng phạt thêm vào lĩnh vực kinh tế.
THIÊN BÌNH