Mỹ đang nỗ lực thành lập một liên minh nhằm hộ tống các tàu chở dầu đi qua vùng Vịnh. Trong khi đó, Iran phản đối sự hiện diện của liên minh này.
Mỹ và đồng minh cáo buộc Iran đứng sau hai cuộc tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu trên vịnh Oman hồi tháng 6, trong đó có tàu Kokuka Courageous treo cờ Panama thuộc sở hữu một công ty Nhật Bản.Ảnh: AP |
Sự hiện diện của lực lượng gồm Mỹ và các đồng minh của Washington ở vùng Vịnh nhằm hộ tống các tàu chở dầu là điều mà Iran không hề mong muốn. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 12-7 nêu rõ: “Lực lượng nước ngoài nên rời khỏi (vùng Vịnh) bởi Iran và các nước khác trong khu vực có khả năng đảm bảo an ninh… Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các nước láng giềng để giải quyết tranh chấp”.
Các nguồn tin cho hay, Mỹ đang thảo luận với nhiều nước về việc xem xét thành lập liên minh bảo đảm an toàn hàng hải ở eo biển Hormuz cũng như biển Bab An Mandab - tuyến đường biển chiến lược nối Biển Đỏ với vịnh Eden và biển Arab, theo đề xuất của Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Thành phần tham gia liên minh nói trên có thể là Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh châu Á của Mỹ và Anh - quốc gia liên quan các vụ bắt bớ tàu chở dầu ở vùng Vịnh trong những ngày qua, cùng nhiều nước khác. Mỹ đã thúc giục Tokyo và Seoul triển khai lực lượng đến vùng Vịnh, trong khi chính Washington cũng điều quân đến khu vực này nhằm đối phó với “mối đe dọa” từ Tehran.
Nhật Bản đang cân nhắc việc điều quân đến vùng Vịnh. Hiến pháp của xứ sở hoa anh đào hạn chế việc triển khai quân đội ra nước ngoài. Luật An ninh được Thủ tướng Abe Shinzo ban hành năm 2015 quy định, nước ông có thể viện trợ cho các đồng minh như Mỹ ngay cả khi Nhật Bản chưa bị tấn công; theo đó, lực lượng phòng vệ (SDF) có thể được điều động nếu một tình huống phát sinh, trong đó có một cuộc tấn công vào một quốc gia khác đe dọa đến sự tồn vong của Nhật Bản.
Phía Hàn Quốc cũng đang cân nhắc sau khi tiếp nhận đề nghị từ Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In Chul khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với phía Mỹ… Chính phủ Hàn Quốc lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông. Lập trường của chúng tôi là không được đe dọa quyền tự do hàng hải và tự do thương mại”.
Với Anh, báo The Telegraph cho hay, các nhà chức trách London đang thảo luận với Mỹ về khả năng xây dựng lực lượng ở vùng Vịnh trong lúc căng thẳng giữa Iran với phương Tây gia tăng sau các vụ bắt bớ tàu ở Gibraltar và ở eo biển Hormuz. Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên đường đến Syria tại Gibraltar (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) và Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ tàu Hải quân Hoàng gia Anh ở eo biển Hormuz.
Iran ngày 12-7 tiếp tục kêu gọi Anh thả tàu Grace 1 và gọi việc bắt giữ này là “ván bài nguy hiểm”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo Anh sẽ đối mặt với “những hậu quả” bởi việc bắt giữ là “sai trái”. Hồi tháng 6, hai tàu dầu bị tấn công ở vịnh Oman và Iran bị cho là thủ phạm.
Đối với Mỹ, Washington đang “xuống thang” trong việc trừng phạt Iran và để ngỏ cánh cửa ngoại giao khi không áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo, ông Mohammad Javad Zarif. Không có tên trong “danh sách đen”, ông Zarif có thể tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào tuần tới và được Washington cấp thị thực nhập cảnh.
Tuy nhiên, việc Mỹ muốn thành lập liên minh ở vùng Vịnh tất nhiên vấp phải phản ứng của Iran. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), được Tehran và nhóm P5+1 ký năm 2015, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran. Căng thẳng càng gia tăng khi Iran điều chỉnh giới hạn làm giàu uranium hồi đầu tháng 7 này cao hơn mức 3,67% mà JCPOA quy định.
Các nhà quan sát cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ quan tâm đối thoại về các điều khoản khác ngoài sự thỏa hiệp của Iran trước các yêu cầu của Washington. Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ chỉ đàm phán với Mỹ khi cường quốc này chịu nhượng bộ. Song, Washington sẽ khó nhượng bộ.
Hormuz là nơi xảy ra căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi Tehran dọa đóng cửa eo biển này. Hormuz cũng là tuyến đường biển chiến lược kết nối các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông với các thị trường quan trọng ở khắp các châu lục. Còn Bab An Mandab là tuyến vận tải biển then chốt kết nối các nhà xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông đến các thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác, với gần 4 triệu thùng dầu/ngày, cùng nhiều loại hàng hóa thương mại. Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vẫn luôn lo ngại các cuộc tấn công do các tay súng Houthi được Iran hậu thuẫn xảy ra tại biển Bab An Mandab. |
PHÚC NGUYÊN