Các quan chức Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt kinh tế và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay tàng hình F-35 vì Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Tuy nhiên, trong 3 ngày qua, những bộ phận đầu tiên của “Rồng lửa” S-400 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự ngăn cản của Washington.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: TASS/Getty Images |
Trên Twitter ngày 14-7, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các chuyến bay thứ năm và thứ sáu của Nga vừa đáp xuống căn cứ không quân Murted, gần thủ đô Ankara. Hai chuyến bay tiếp theo cũng hạ cánh chỉ một vài giờ sau đó.
Như vậy, từ ngày 12 đến 14-7, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tiếp nhận các bộ phận của “Rồng lửa” S-400 do Nga chuyển giao theo hợp đồng ký năm 2017, trị giá 2,5 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo và sự ngăn cản của Mỹ.
Đến ngày 14-7, chính phủ Mỹ vẫn im lặng trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Song theo hãng tin Bloomberg, Nhà Trắng đã xác định một loạt biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến Ankara. Washington muốn đợi thời điểm công bố trừng phạt, vì ngày 15-7 tới đánh dấu 2 năm kể từ ngày xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khoảng 30 phút. Ông Esper giữ quan điểm rằng, Ankara không thể sở hữu cả hai hệ thống S-400 của Nga và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Trong lúc đó, Quốc hội Mỹ chỉ trích gay gắt thương vụ S-400, cho rằng việc một đồng minh NATO chọn đứng về phía Nga và Tổng thống Vladimir Putin là điều khó hiểu. “Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan) phải đối mặt với những hậu quả vì quyết định này”, các nghị sĩ Eliot L. Engel thuộc đảng Dân chủ và Michael McCaul thuộc đảng Cộng hòa nói.
Theo Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen thuộc đảng Dân chủ, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là cách ứng xử của một đồng minh.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Patriot của cường quốc này thay vì theo đuổi S-400. Song, Ankara không mặn mà với Patriot bởi Ankara nhiều năm qua không thể đàm phán thành công với Washington để đi đến một thỏa thuận.
Giờ đây, Ankara thực sự muốn có S-400, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, phiên bản nâng cấp của S-300, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác.
Ông Derek Chollet, quan chức quốc phòng cấp cao trong chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400 không gây ngạc nhiên và đây là vấn đề lớn đối với NATO.
Theo đó, tổ chức quân sự này sẽ hạn chế vai trò của Ankara trong liên minh. Các biện pháp về kinh tế theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu được áp đặt sẽ đánh dấu mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “lao dốc”. Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Năm ngoái, Washington từng áp đặt trừng phạt Ankara xung quanh việc nước này bắt giữ nhà truyền giáo người Mỹ, khiến đồng Lira rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan nói rằng, Tổng thống Donald Trump không quyết tâm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như một số quan chức trong chính phủ Mỹ. “Ông Trump không nói “chúng tôi sẽ áp đặt trừng phạt chống lại các bạn” trong các cuộc điện đàm với tôi, hoặc trong những cuộc gặp song phương”, Tổng thống Erdogan cho hay.
Theo báo The Independent, thương vụ S-400 khó có thể thay đổi được chiến lược của NATO hay làm tổ chức này chia rẽ, nhưng việc một nước thành viên chuyển hướng sang Nga để mua một thiết bị quân sự tối tân như vậy là chưa có tiền lệ và đặt ra nhiều quan ngại. Lầu Năm Góc lo lắng nếu Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35, Moscow có thể có các dữ liệu nhạy cảm về loại máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới này.
Trong lúc Mỹ dường như bất lực trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, thương vụ S-400 lại là một chiến thắng của Nga khi Moscow đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của mình và làm suy yếu NATO.
VĨNH AN