Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn dự luật đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) - thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng thời Chiến tranh Lạnh với Mỹ. Đây là bước thủ tục cuối cùng để Moscow chính thức rút khỏi hiệp ước được ký năm 1987.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). Ảnh: Reuters |
Với sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, INF hoàn toàn đổ vỡ bởi Mỹ đã chính thức đơn phương rút khỏi hiệp ước từ tháng 2-2019, cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng. Sau đó, Nga cảnh báo sẽ ngừng tham gia INF và cho rằng chính Mỹ vi phạm hiệp ước và động thái của Washington chẳng qua tạo cớ để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày 18-6, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn dự luật đình chỉ việc thực thi INF. Thượng viện Nga sau đó cũng thông qua và nay Tổng thống Putin chính thức ban hành sắc lệnh.
Ông Putin khẳng định, Nga không chủ động tiến hành và cũng sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua nhưng phải bảo đảm an ninh quốc gia. Nga sẵn sàng thúc đẩy đối thoại với Mỹ xung quanh vấn đề giải trừ quân bị và sự ổn định chiến lược.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, ông đã trao đổi về những vấn đề này với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tuần trước. “Tôi nghĩ rằng, việc đạt được các giải pháp cụ thể trong việc giải trừ quân bị sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định quốc tế. Nga có thiện chí chính trị để thực hiện. Bây giờ, còn tùy thuộc sự quyết định của Mỹ”, ông Putin trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera (Ý).
Cũng theo Tổng thống Putin, một thỏa thuận cắt giảm vũ khí toàn diện là điều mà Nga đang hướng tới nhưng Washington dường như chưa sẵn sàng. Đến nay, Moscow chưa nhận được phản hồi từ Mỹ về đề xuất ký tuyên bố chung ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và củng cố ổn định chiến lược, được đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. Nếu tuyên bố chung này được thông qua có thể giúp xóa bỏ nỗi lo lắng của châu Âu khi INF bị “khai tử” và số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START).
INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km). Các vũ khí tầm trung được cho là gây bất ổn đặc biệt khi mất thời gian ngắn hơn để tiếp cận mục tiêu so với tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tổng thống Putin cam kết, Nga sẽ không phải là nước đầu tiên phát triển các tên lửa tầm trung mới, đồng thời cảnh báo Mỹ không được triển khai các tên lửa mới ở châu Âu.
Hội đồng An ninh Nga từng cảnh báo việc Mỹ rút INF có thể dẫn tới nguy cơ trở lại thế đối đầu giữa các cường quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cơ quan này kêu gọi Mỹ đàm phán nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), dự kiến hết hiệu lực vào đầu năm 2021.
INF không chỉ nhằm giải quyết tất cả các vấn đề giữa Mỹ và Nga, mà thực chất còn cung cấp các biện pháp về sự ổn định chiến lược, giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân trên lục địa châu Âu. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, việc hủy bỏ INF (bắt nguồn từ Mỹ) là đòn giáng vào quá trình cắt giảm và tiêu hủy các kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo châu Âu chắc chắn sẽ phản ứng về số phận của INF.
LÊ NGUYÊN