Người dân Valenzuela (Philippines) khổn khổ vì tình trạng đốt rác thải

.

Tại thành phố Valenzuela của Philippines, người dân phàn nàn họ phải chịu đựng thứ mùi hăng gắt và các bệnh hô hấp vì hành vi đốt rác thải tại đây.

Ngôi làng Tây Canumay tại Valenzuela chìm trong rác. Ảnh: The Guardian
Ngôi làng Tây Canumay tại Valenzuela chìm trong rác. Ảnh: The Guardian

Buổi trưa tại thành phố Valenzuela, khi người dân hối hả chuẩn bị cho bữa trưa thì trong không khí bỗng sộc lên mùi nhựa cháy khét, khiến mọi người mất hết cảm giác muốn ăn. Tình trạng này xảy ra khá thường xuyên.

Cô Rosalie Esplana (40 tuổi) nói: “Tôi thấy ngạt thở vào buổi tối. Chúng tôi phải đóng cửa mặc dù trời nóng nực và sau đó phải trùm chăn kín mũi khi ngủ”.

Ông Benjamin Lopez (50 tuổi) chia sẻ: “Mùi rác cháy khiến tôi bật dậy vào 2 giờ sáng. Tôi buộc phải xịt nước hoa ở trong phòng”.

Khu vực ở ngoại ô Manila được mệnh danh là "Thành phố Nhựa" với những con phố ổ chuột, nơi các ngôi nhà nhỏ nằm sát nhà máy lớn luôn nhả khói đen. Người dân sống quanh đây thấy khó chịu bởi mùi rác cháy mà họ cho rằng bắt nguồn từ nhà máy tái chế ngay bên cạnh có tên STC Enterprises.

Dân địa phương còn nghi ngờ khí thải từ nhà máy này khiến một số người nhiễm chứng ho dai dẳng.

Valenzuela là một bộ phận nhỏ của vấn đề lớn hơn mà nhiều cộng đồng dân cư tại Đông Nam Á phải đối mặt, đó là trở thành nơi hứng chịu rác thải nhựa của thế giới. Trong tháng 5, Philippines đã gửi trả Canada 1.500 tấn rác thải. Khi đó, Philippines phát hiện các container dán nhãn là nhựa hoặc đồ tái chế thực chất là rác thải hoàn toàn không thể tái chế.

Philippines còn nhận nhiều rác thải được cho là rác có thể tái chế từ những nơi khác như Hàn Quốc, Australia và Hong Kong (Trung Quốc). Do vậy, Philippines đang xem xét ban hành lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu rác.

Những đứa trẻ chơi với rác thải nhựa ở làng Tây Canumay. Ảnh: The Guardian
Những đứa trẻ chơi với rác thải nhựa ở làng Tây Canumay. Ảnh: The Guardian

Tại làng Tây Canumay ở Valenzuela, hầu hết thải nhựa tái chế trong các nhà máy ở thành phố này đều có nguồn gốc từ quốc gia khác. Thị trưởng thành phố Valenzuela, ông Rex Gatchalian cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta có nhiều rác thải trong nước để xứ lý, tái sử dụng và tái chế. Chúng ta không cần rác thải từ nước ngoài”.

Dữ liệu hải quan từ năm 2018 cho thấy chỉ tính riêng số rác nhựa tái chế Mỹ chuyển tới Philippines đã chạm ngưỡng hơn 3 nghìn tấn. Số rác thải xuất hiện ở những khu vực công nghiệp như thành phố Valenzuela thường bị trà trộn giữa rác nhập khẩu và của địa phương.

Trong khi người dân phàn nàn về không khí ô nhiễm thì ngành xử lý rác nhựa tại địa phương lại có cách lý giải khác.

Đại diện của công ty chuyên tái chế rác thải nhựa mang tên Citipoly Industries, ông Sherwin Koa cho biết: “Chúng ta đang thực hiện những việc tốt cho môi trường. Chúng ta hiểu rằng có vấn đề nhưng không ai xét đến ảnh hưởng tích cực mà chúng ta đóng góp cho xã hội”.

Ông Koa lo lắng đề xuất cấm mọi rác thải nhựa tái chế sẽ buộc nhiều doanh nghiệp như Citipoly Industries phải đóng cửa.

Thị trưởng Rex Gatchalian tự hào về vai trò của thành phố Valenzuela trong việc tái chế một số lượng lớn rác thải nhựa của Philippines. Ông Rex Gatchalian nói: “Chúng ta thường tái chế, tái sử dụng thay vì vứt rác thải nhựa trực tiếp xuống cống rồi đổ ra biển. Nếu cấm nhập rác thải nhựa, các công ty có thể phải đóng cửa”.

Chưa có giải pháp hữu hiệu để Thành phố Nhựa thoát khỏi mùi rác cháy khó chịu. Theo Guardian, thị trưởng Gatchalian hiểu được rằng giải pháp dài hạn là chuyển nhà máy khỏi khu dân cư.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.