Thỏa thuận hạt nhân Iran sắp đổ vỡ

.

Việc Iran gia tăng mức làm giàu uranium làm căng thẳng giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này và Mỹ leo thang, đồng thời đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 đến bờ sụp đổ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm một nhà máy điện hạt nhân.            Ảnh: EPA/EFE
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm một nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: EPA/EFE

Iran đã phá vỡ những quy định của thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với nhóm cường quốc P5+1 (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, từ ngày 7-7, Iran gia tăng mức làm giàu uranium vượt quá 3,67% và tỷ lệ làm giàu uranium sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế của Tehran.

Xác nhận của người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei tại buổi họp báo ngày 7-7 đánh dấu sự không nhượng bộ sau đúng 1 năm Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA, áp đặt các biện pháp trừng phạt chủ yếu nhằm vào dầu thô và các quan chức hàng đầu của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong những tuần gần đây, Iran cảnh báo châu Âu rằng, nước này sẽ bắt đầu rút khỏi thỏa thuận nếu các đối tác “lục địa già” không bảo vệ Tehran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.  

Chỉ một tuần trước, Iran đã vượt quá giới hạn 300kg dự trữ uranium được làm giàu theo quy định của JCPOA. Các chuyên gia cảnh báo mức làm giàu sẽ cao hơn, gần với mức chế tạo vũ khí hạt nhân.

Theo các chuyên gia, Iran cần 1.050kg uranium làm giàu thấp để chế tạo bom hạt nhân. Với 19.000 máy ly tâm hiện có, Iran có thể tăng tỷ lệ làm giàu uranium cao hơn trong vòng vài tuần và có khả năng sản xuất bom hạt nhân trong vòng 1 năm.

Nhưng lần này Iran có thể nâng mức làm giàu uranium lên 5% nhằm sản xuất nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr, tức mang mục đích hòa bình - như khẳng định của ông Ali Akbar Velayati, cố vấn các vấn đề quốc tế của lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Chưa có thông tin để xác nhận Iran thực sự theo đuổi điện hạt nhân hay vũ khí hạt nhân.

Theo JCPOA, việc làm giàu uranium của Iran bị giới hạn ở mức tối đa 3,67%, vừa đủ sản xuất năng lượng, thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Tehran đã thực hiện trước khi ký thỏa thuận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm giải pháp nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây trước ngày 15-7, nhưng nỗ lực của người đứng đầu Điện Élysée có thể không hiệu quả.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hiện để ngỏ khả năng đàm phán với châu Âu và việc Mỹ có thể tham gia hay không, bởi trước đó Tehran khẳng định chỉ đàm phán với Washington khi cường quốc hàng đầu thế giới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và việc đàm phán phải được Đại giáo chủ - lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei chấp thuận. Trong khi đó, dỡ bỏ trừng phạt là điều không thể đối với Washington. Mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là buộc Iran có những nhượng bộ về chương trình hạt nhân, phát triển tên lửa và chính sách đối ngoại tại khu vực.

Hãng AFP cho rằng, hy vọng cứu vãn JCPOA vơi dần và số phận của thỏa thuận này rất đỗi mong manh, khi các nước châu Âu không thể cung cấp cho Iran bất kỳ giải pháp hiệu quả nào để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran cho rằng, châu Âu đã làm “quá ít, quá trễ” để cứu một thỏa thuận vốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của Tehran.

Cuộc họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ diễn ra vào ngày 10-7 không được kỳ vọng xoa dịu căng thẳng hiện nay liên quan JCPOA. Hơn nữa, động thái của Iran khiến nước này đối mặt nguy cơ bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Theo đó, các đối tác châu Âu, Trung Quốc và Nga tham gia thỏa thuận sẽ càng gặp khó trong việc chống lại áp lực của Mỹ. Nếu Iran rút khỏi JCPOA và cánh cửa ngoại giao với Mỹ đóng lại, khủng hoảng vùng Vịnh sẽ nghiêm trọng hơn nữa vì Washington có thể yêu cầu các đồng minh London, Paris và Berlin “bắt tay” trừng phạt Tehran.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.