Brexit thêm rối vì "cuộc chiến" pháp lý

.

Tòa án Scotland đã bác bỏ việc ngừng tình trạng Quốc hội “treo”. Tuy nhiên, “cuộc chiến” pháp lý vẫn tiếp tục diễn ra khiến Brexit càng thêm rối với quá nhiều kịch bản.

Một người biểu tình có mặt bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London mang tấm biển có dòng chữ “Brexit sẽ gây tổn hại”. 		Ảnh: Reuters
Một người biểu tình có mặt bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London mang tấm biển có dòng chữ “Brexit sẽ gây tổn hại”. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, ngày 30-8, Thẩm phán Scotland Raymond Doherty bác bỏ yêu cầu đình chỉ ngay lập tức tình trạng Quốc hội “treo” trong 6 tuần (từ ngày 3-9 đến 14-10). Ông Doherty nói rằng, không cần thiết ra lệnh ngăn chặn tạm thời kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson trong giai đoạn hiện tại. Song, phán quyết này không kết thúc cuộc chiến pháp lý chống lại Thủ tướng Johnson.

Trong khi đó, phiên tòa ở Tòa án Tối cao Belfast không diễn ra vào ngày 30-8 theo kế hoạch và chưa rõ có được nối lại vào tuần tới hay không. Tuy nhiên, theo CNN, các tòa án trên khắp Vương quốc Anh sẽ đồng loạt xem xét kế hoạch đóng cửa Nghị viện của Thủ tướng Johnson.

Đề xuất của ông Johnson về việc kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ đến ngày 14-10, thay vì ngày 3-10 đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chấp thuận. Ông Johnson muốn ngăn cản Quốc hội tranh luận, cản trở những nỗ lực rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận. “Treo” Quốc hội đến ngày 14-10 nghĩa là thu hẹp thời gian tranh luận và các động thái của cơ quan lập pháp này liên quan đến Brexit.

Song, quyết định của tân Thủ tướng được xem là một cú sốc trên chính trường Anh và làm dấy lên những tranh cãi gay gắt. Cựu Thủ tướng Anh John Major, vốn ủng hộ việc xứ sở sương mù là thành viên của EU, tuyên bố sẽ tìm kiếm hành động pháp lý chống lại ông Johnson tại London.  

Các nhà đàm phán của Anh và EU sẽ tổ chức họp 2 lần/tuần vào tháng tới để thảo luận về thỏa thuận Brexit mà hai bên đã ký kết hồi tháng 11 năm ngoái. Đến thời điểm này, vướng mắc lớn nhất vẫn là điều khoản “chốt chặn” quy định Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế, trong đó có vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Theo AFP, nhiều nghị sĩ lo ngại điều khoản “chốt chặn” cứng nhắc sẽ khiến Anh bị trói buộc với EU, không thể tách ra độc lập như mục đích của Brexit. Thủ tướng Johnson muốn một thỏa thuận mới với EU để thay thế thỏa thuận cũ nói trên, trong đó không có điều khoản “chốt chặn”, nhưng nỗ lực của ông vấp phải nhiều rào cản.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng, quan điểm của chính phủ Anh về việc rời EU là vô lý. Theo ông, ngoài những hứa hẹn, cam kết giải quyết vấn đề đường biên giới, London chưa đưa ra những đề xuất đáng tin cậy và vững chắc để thay thế điều khoản “chốt chặn” cũ. “Nếu có sự thay đổi thì sẽ thật tuyệt”, ông Coveney nói.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào ngày 31-8 ở một số thành phố. Một số nhà tổ chức kêu gọi những người biểu tình chiếm giữ đường phố và những cây cầu. Các lãnh đạo của 6 đảng đối lập trong Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, đa số các nghị sĩ sẽ chống lại động thái của Thủ tướng Johnson. “Chúng tôi yêu cầu Thủ tướng đảo ngược quyết định ngay lập tức…”, các lãnh đạo đảng nói.

Các nhà phân tích khó đoán định tương lai của Anh khi vấn đề Brexit rối rắm với quá nhiều kịch bản. Nếu tòa án ra phán quyết ủng hộ Thủ tướng Johnson, chính phủ Anh sẽ nỗ lực thuyết phục EU đàm phán lại. Nếu EU kiên quyết nói “không” với thỏa thuận mới, Anh sẽ rời “mái nhà chung” mà không có thỏa thuận đúng vào ngày 31-10. Nếu EU “gật đầu” về một thỏa thuận mới thì văn bản này sẽ phải vượt qua được cửa của Quốc hội Anh. Trong trường hợp các nhà lập pháp đồng ý với thỏa thuận mới, nước Anh sẽ rời EU có thỏa thuận trong tay. Nếu Nghị viện bác bỏ, Brexit sẽ bị hoãn, bị hủy bỏ hoặc người dân Anh phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.