Tuyên bố của Triều Tiên về việc không có kế hoạch đàm phán với Hàn Quốc và phóng 2 vật thể ra biển Nhật Bản làm mối quan hệ liên Triều xấu hơn kể từ khi Seoul tập trận quân sự chung với Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một lần gặp thượng đỉnh. Ảnh: KCNA/RE |
Không những tuyên bố không đàm phán cùng Hàn Quốc mà Triều Tiên sáng 16-8 còn phóng hai vật thể chưa xác định ra biển Nhật Bản và chỉ trích Tổng thống của quốc gia phía nam Moon Jae-in vẫn duy trì tập trận quân sự với Mỹ, bất chấp những phát biểu đầy lạc quan của ông về ngoại giao liên Triều. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, hai vật thể bay xa khoảng 230km và đạt độ cao tối đa 30km. Kể từ cuối tháng 7 đến nay, đây là lần thứ sáu Triều Tiên phóng các vật thể bay, trong đó nhiều vật thể đã được xác định là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) ngay lập tức họp khẩn, kêu gọi Triều Tiên chấm dứt việc thử các vật thể và ngừng chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in. Seoul cho rằng, Bình Nhưỡng đang thể hiện sự tức giận về các cuộc tập trận chung và thái độ này sẽ hủy hoại tinh thần của các tuyên bố liên Triều hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc chủ trương không phản ứng thái quá để tránh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gia tăng.
Theo hãng tin Yonhap, Triều Tiên cũng bác bỏ cam kết của Tổng thống Moon được đưa ra vào ngày 15-8 về việc Seoul theo đuổi đàm phán với Bình Nhưỡng và “thiết lập nền hòa bình và thống nhất” trên bán đảo Triều Tiên trước năm 2045. Một phát ngôn viên của Triều Tiên quy trách nhiệm hoàn toàn cho Hàn Quốc khi đối thoại giữa hai miền bị “mất đà” và việc thực hiện các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi năm ngoái đang bế tắc. Người phát ngôn này chỉ trích rằng, tập trận Mỹ - Hàn là dấu hiệu cho thấy “sự thù địch của Seoul” đối với Bình Nhưỡng.
Theo đó, Bình Nhưỡng không muốn tiếp tục đàm phán với Seoul, và Seoul không nên hy vọng đối thoại liên Triều sẽ nối lại sau khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc. “Chúng tôi không còn gì để nói với các nhà chức trách Hàn Quốc và cũng không có ý định ngồi lại với họ”, hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Ủy ban Thống nhất Triều Tiên cho biết. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc gọi những nhận định của Triều Tiên không phù hợp với các thỏa thuận liên Triều và không giúp ích gì cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai miền.
Kể từ tháng 4-2018, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ 3 lần, cam kết hòa bình và hợp tác. Song, hai bên ít đạt được những tiến triển để thúc đẩy đối thoại cũng như mở rộng trao đổi, hợp tác. Giới phân tích đang kỳ vọng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 4, nhưng những tuyên bố nói trên của Triều Tiên đang phủ bóng lên triển vọng này. GS. Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul nhận định, Triều Tiên khiến việc xây dựng lòng tin trở nên quá khó khăn, đồng thời cho rằng Hàn Quốc và Mỹ nên tiếp tục tìm kiếm đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên, nhưng hai quốc gia đồng minh này cũng nên chuẩn bị các biện pháp cứng rắn…
Việc Triều Tiên liên tiếp phóng những vật thể, trong đó có các tên lửa tầm ngắn, làm phức tạp những nỗ lực nối lại đàm phán Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa. Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 30-6 vừa qua tại khu vực biên giới liên Triều đã mang lại những tín hiệu lạc quan. Song, thực tế đàm phán hạt nhân vẫn đình trệ.
Các nhà phân tích cho rằng, có thể Triều Tiên muốn gửi thông điệp gián tiếp đến Mỹ để Washington phải nhượng bộ hơn trên bàn đàm phán trong tương lai, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
PHÚC NGUYÊN