Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn Nga trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để khối này trở thành G8 như trước đây. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) khẳng định sẽ mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2020. Ảnh: TASS |
Khép lại hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Biarritz của Pháp vào ngày 26-8 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo không đồng nhất quan điểm về việc Nga trở lại khối này trong tương lai. Song, Tổng thống Donald Trump khẳng định, ông sẽ mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin đến khu nghỉ mát ở bang Florida khi Mỹ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2020.
Ông Trump một mực bảo vệ quan điểm mời ông Putin trở lại câu lạc bộ giàu có G7 để khối này đổi thành G8. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng, Tổng thống Putin có thể muốn đến Florida chỉ với tư cách khách mời. Tuần trước, ông Trump cũng bày tỏ mong muốn Nga trở lại G7 và cho rằng “sẽ phù hợp hơn nhiều” khi Moscow là thành viên của nhóm các cường quốc thế giới.
Thực tế, ý tưởng “Nga nên là một phần của G7” được Tổng thống Mỹ đề cập hồi tháng 6-2018. Nga gia nhập G7 vào năm 1998 dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin và G7 đổi tên thành G8. Sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Nga rời G8 trong thời điểm Moscow là Chủ tịch G8. Hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra trong tháng 6-2014 ở Sochi đã được chuyển sang Brussels (Bỉ) với sự tham dự của 7 nước giàu có. Lúc đó, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh (tức chỉ trừ Mỹ) ngừng bỏ hẳn tư cách thành viên của Nga.
Giờ đây, tại diễn đàn G7 ở Biarritz, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thống nhất quan điểm của Tổng thống Mỹ ủng hộ Nga quay lại khối, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chọn giải pháp trung lập, còn những nhà lãnh đạo khác đều phản đối.
Chủ trì hội nghị G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, việc Nga trở lại chỉ phù hợp khi các điều kiện then chốt liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết. Trong những tuần tới, ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh 4 bên với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh kết quả sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hành động của Moscow.
Trong lúc đó, Anh chống lại sự tái gia nhập của Nga. Mối quan hệ giữa Anh và Nga lao dốc sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripa hồi năm 2018. Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này mặc dù Moscow kiên quyết bác bỏ.
Theo hãng tin Bloomberg, đa phần các nước G7 bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga, nhưng cho rằng còn quá sớm để thảo luận về đưa Moscow trở lại làm thành viên của nhóm. Còn ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga khẳng định, nước này không thể tái gia nhập G7 với lời mời của một quốc gia và việc quay lại nhóm không phải là mục đích của Moscow.
Từ năm 2014 đến nay, Tổng thống Putin nhiều lần nói rằng, ông quan tâm đến các mạng lưới khác ở khu vực và G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi) hơn, trong đó có khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Hãng Bloomberg nhận định, việc trở lại G7 sẽ không giúp Nga được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà chẳng qua chỉ mang lại nhiều diễn đàn đa phương để ông Putin gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các cường quốc...
THIÊN BÌNH