Giới quan sát nhận định chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tới Bắc Kinh đang muốn tìm kiếm hơn nữa sự ủng hộ của Trung Quốc, nhắm thúc đẩy sáng kiến của ông.
Ngoại trưởng Iran gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Năm. Ảnh: Tehran Times |
Theo Đài Sputnik, trong chuyến dừng chân ngắn ngày tại Biarritz (Tây Nam nước Pháp) – nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ 24-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad có dịp hội đàm với Tổng thống và người đồng cấp Pháp, cũng như các quan chức ngoại giao cấp cao của Anh và Đức. Sau khi kết thúc hội đàm mà “ra về tay trắng”, Ngoại trưởng Javad Zarif đã bay tới Bắc Kinh.
Đây là chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc trong năm nay của nhà ngoại giao cấp cao Iran. Trong hai chuyến công du trước đó vào tháng Hai và tháng Năm, Tehran đã nhận được sự ủng hộ ngoại giao từ phía Bắc Kinh liên quan đến tranh cãi với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân.
Giới quan sát nhận định chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đang muốn tìm kiếm hơn nữa sự ủng hộ của Trung Quốc, nhắm thúc đẩy sáng kiến của ông.
Trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Biarits, truyền thông đưa tin Iran bày tỏ mong muốn phối hợp đẩy mạnh xuất khẩu ít nhất 700.000 thùng dầu, và nếu được thì con số lên tới 1,5 triệu thùng/ngày. Đồng thời, Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số các quốc gia bên mua dầu Iran – phải được “miễn nhiễm” trước lệnh trừng phạt của Mỹ. Đổi lại, Iran sẽ tiếp tục tuân thủ quy định, duy trì thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện ký kết năm 2015.
“Xem xét tình huống hiện giờ có thể thấy xuất hiện các cuộc đàm phán ngoại giao khá căng thẳng giữa Iran và châu Âu, cũng như giữa châu Âu và Mỹ. Các quốc gia châu Âu quan tâm tới việc duy trì thỏa thuận hạt nhân. Động thái mời Iran tới Hội nghị G7 cho thấy mối quan tâm của châu Âu và Iran vẫn có điểm chung là duy trì hoạt động thương mại dầu mỏ”, Irina Fedorova – chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu phương Đông, Đại học Khoa học Nga – đánh giá.
Nữ chuyên gia này lưu ý bất chấp các lệnh trừng phạt, “Trung Quốc vẫn là một trong các bên mua dầu quan trọng nhất của Iran”. “Tất nhiên, chủ đề đàm phán tại Bắc Kinh của Ngoại trưởng Zarif sẽ tập trung vào việc duy trì hoạt động cung cấp dầu Iran cho Trung Quốc. Đây là vấn đề quan trọng nhất”.
“Trước tiên, chúng ta cần xác định hai luận điểm chính. Thứ nhất, tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ vượt xa tầm quan trọng của quan hệ Trung-Iran. Từ quan điểm chiến lược toàn diện, đối với lợi ích của Trung Quốc, Mỹ quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, không phải chỉ mỗi Iran. Song, đối với việc thực hiện Sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc, Iran lại được coi là quốc gia trung tâm trong dự án con đường tơ lụa trên biển và đất liền. Điều đó có nghĩa là: trong khi thúc đẩy sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’, Trung Quốc đồng thời phải phát triển và duy trì mối quan hệ với Iran”, Ji Kaiyun - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran thuộc Đại học Tây Nam giải thích phương thức Trung Quốc có thể hỗ trợ Iran trong bối cảnh Mỹ thể hiện chưa sẵn sàng đàm phán chính thức với Tehran.Tuy nhiên, theo đánh giá vị chuyên gia trên, mặc dù Bắc Kinh quan tâm tới hoạt động thương mại dầu với Iran song quan điểm của họ vẫn còn rất thận trọng. Trung Quốc đang tìm cách không đưa ra bất kỳ động thái nào để cang làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Mỹ.
Chuyên gia Ji Kaiyun liệt kê 5 lĩnh vực ưu tiên mà Bắc Kinh có thể dành cho Tehran. “Đầu tiên, Trung Quốc và Iran có thể hợp tác chặt chẽ trong ngành du lịch để duy trì sự tương tác thuận lợi. Mỗi năm, có hoảng một triệu khách du lịch Trung Quốc đến Iran – lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước này. Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích mở rộng đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ở Iran. Thứ ba, phát triển hợp tác Trung Quốc -Iran trong giáo dục và văn hóa. Thứ tư, Trung Quốc tích cực bảo vệ quyền bầu cử của Iran, đồng thời tiếp tục chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Thứ năm, trong khả năng của mình, Trung Quốc hy vọng hợp tác với các quốc gia EU để giúp Iran thoát khỏi rắc rối. Nhìn chung, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Iran tương đối thực tiễn; nó sẽ thể hiện nền tảng vững chắc của tình hữu nghị Trung-Iran”.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Iran sẽ tới Nhật Bản và Malaysia và bàn về khả năng thực hiện hoạt động thương mại dầu mỏ giữa hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không học theo gương của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để mà hội đàm với Ngoại trưởng Iran, vì rõ ràng động thái đó sẽ khiến Mỹ tức giận.
Theo Báo Tin tức