"Bão" chính trị ở Mỹ: Cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và Nhà Trắng

.

“Cơn bão” đòi luận tội Tổng thống Donald Trump đang dấy lên ở Mỹ với cáo buộc ông chủ Nhà Trắng nhờ sự trợ giúp của Ukraine để điều tra ông Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ. Ông Trump bác bỏ cáo buộc này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenski (trái) bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 25-9. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenski (trái) bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 25-9. Ảnh: AFP

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang xúc tiến việc luận tội Tổng thống Donald Trump và chỉ thị 6 ủy ban điều tra các hành động của người đứng đầu Nhà Trắng. Ông Donald Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, cản trở công lý và vi phạm lời thề lúc tuyên thệ nhậm chức vì thúc giục Ukraine điều tra Joe Biden, đối thủ nặng ký của Tổng thống Mỹ đương nhiệm trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2020. Bà Pelosi lập luận rằng, đây là cách mà ông Trump lạm dụng quyền lực để triệt tiêu đối thủ chính trị trước thềm bầu cử. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong số các ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống.

Cuộc điện đàm kéo dài 30 phút giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 7 được công bố vào ngày 25-9 (đêm 25-9, giờ Việt Nam) gây nhiều tranh cãi. Theo nội dung băng ghi âm, ông Trump đề nghị ông Zelenskiy xem xét có phải ông Biden đã ngăn cản cuộc điều tra công ty năng lượng Burisma Holdings của con trai mình là Hunter Biden ở Ukraine hay không. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump nói rằng, Tổng thống Ukraine nên làm việc với luật sư của ông là Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr để điều tra về tư cách đạo đức của cha con ông Joe Biden.

Điều đáng lưu ý, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump dường như không đề cập viện trợ quân sự hay viện trợ kinh tế cho Ukraine. Song, đảng Dân chủ cho rằng, ông Trump có thể đã ra lệnh “đóng băng” khoản viện trợ quân sự gần 400 triệu USD cho Ukraine khi diễn ra cuộc điện đàm để gây sức ép buộc Tổng thống Zelensky hợp tác điều tra về cha con ông Biden. Đài CNN cho hay, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn khoản viện trợ gần 400 triệu USD trong năm nay cho Ukraine. Nhưng ngay trước cuộc điện đàm hồi tháng 7 nói trên, ông Trump trì hoãn việc giải ngân số tiền đó trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9-2019. Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hiện kêu gọi Bộ Quốc phòng Mỹ điều tra việc hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tổng thống Trump khẳng định không làm gì sai trái trong cuộc điện đàm và chỉ trích động thái của đảng Dân chủ là cuộc “săn phù thủy rác rưởi”. Còn Tổng thống Zelensky khẳng định, không ai có thể gây sức ép đối với ông vì ông là lãnh đạo của một quốc gia độc lập.

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống có thể bị bãi nhiệm vì tội “phản quốc, nhận hối lộ và các tội nghiêm trọng khác”. Nếu bị kết tội “phản quốc”, hay “lạm dụng quyền lực”, ông Trump sẽ phải rời nhiệm sở. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ có 235 ghế (áp đảo so với 199 ghế của đảng Cộng hòa) nên có thể dễ dàng thúc đẩy việc luận tội ông Trump mà không cần lá phiếu của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, tại Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa chiếm 53 ghế (so với 45 ghế của đảng Dân chủ) - sẽ có thể bác bỏ quyết định này. Bởi vậy, các nhà quan sát gọi việc khơi mào luận tội ông Trump là nước cờ đầy rủi ro cho đảng Dân chủ. Theo báo New York Times, ông Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể chỉ trích đảng Dân chủ đối xử bất công với tổng thống vì lợi ích đảng phái khi cuộc bầu cử đang đến gần. Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc luận tội nhiều khả năng gây phản tác dụng cho đảng Dân chủ, như việc đảng Cộng hòa sau khi luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998 thì nhận thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Nếu luận tội thất bại, uy tín của đảng Dân chủ sẽ bị tổn hại, mở đường cho ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. Thực tế, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm do một cuộc luận tội. Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon từ chức trước khi ông bị luận tội. Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton bị luận tội ở Hạ viện, nhưng “trắng án” ở Thượng viện.

Bà Pelosi dù quả quyết “đây là vấn đề chủ nghĩa ái quốc tại đất nước chúng ta” và luận tội không mang động cơ chính trị hay vì bất kỳ đảng phái nào, nhưng hành trình “lật đổ” vị Tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ không đơn giản. Theo đó, cuộc đối đầu giữa Hạ viện và Nhà Trắng, hay giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ còn kéo dài, tác động đến những lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử vào năm tới. 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.