"Canh bạc" thất bại của Thủ tướng Anh

.

Hạ viện Anh thông qua dự luật buộc Thủ tướng Boris Johnson hoãn Brexit 3 tháng, đồng thời bác đề xuất tổng tuyển cử sớm của ông. Đây là thất bại lớn nhất của ông Johnson kể từ khi trở thành Thủ tướng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phản ứng tức giận tại cuộc họp Hạ viện. 	     Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson phản ứng tức giận tại cuộc họp Hạ viện. Ảnh: AFP

Chiến dịch của Thủ tướng Boris Johnson trong việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 đã nhận “thất bại kép”, khi các nghị sĩ bỏ phiếu buộc ông hoãn Brexit 3 tháng nhằm ngăn chặn kịch bản không thỏa thuận và bác đề xuất tổng tuyển cử sớm.

Hãng tin Bloomberg cho rằng, chiến dịch Brexit “tồn tại hay là chết” của tân Thủ tướng Anh đã bị chệch hướng do 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền “bắt tay” với các nghị sĩ đối lập tước quyền ấn định thời gian Brexit khỏi tay chính phủ. Ông Johnson đã sa thải 21 nghị sĩ này, chấp nhận thế thiểu số trong Quốc hội và mất tất cả quyền kiểm soát Hạ viện.
Ông Johnson là nhà lãnh đạo thứ ba của đảng Bảo thủ nhận thất bại trong vấn đề Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đến nay. Vị chính trị gia này bỗng trở thành “nạn nhân” của chiến dịch “Rời khỏi” (Leave) do chính ông thúc đẩy trong cuộc trưng cầu dân ý. Điều đáng nói là ông Johnson giờ đây không thể vượt qua được thách thức từ chính nội bộ đảng của mình. Ông John McDonnell, một trong những nhân vật hàng đầu thuộc Công đảng đối lập cũng khẳng định: “Bạn không thể đàm phán với ông Boris Johnson”.

Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Johnson nói: “Chính phủ hoàn toàn không thể hoạt động nếu Hạ viện từ chối thông qua bất kỳ điều gì mà chính phủ đề xuất. Theo quan điểm của tôi và quan điểm của chính phủ, phải có cuộc bầu cử vào ngày 15-10”. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Johnson không được lắng nghe. Một số nghị sĩ cho rằng, bầu cử là cơ hội để ông Johnson giành quyền lực, chiếm thế đa số và có thể lại tìm kiếm Brexit không thỏa thuận. Trong khi đó, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn tuyên bố chỉ ủng hộ bầu cử khi nào dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận chính thức trở thành luật.

Hai năm trước, bà Theresa May - người tiền nhiệm của ông Johnson - kêu gọi bầu cử sớm. Tuy nhiên, bà mất đa số ghế và thất bại này dẫn đến sự hỗn loạn của chính trường Anh. Còn Thủ tướng đương nhiệm Johnson tuy không công khai ủng hộ việc tổ chức bầu cử, nhưng hy vọng cuộc bỏ phiếu mới sẽ phá vỡ thế bế tắc xung quanh vấn đề Brexit và giúp ông chiếm thế đa số trở lại.

Tất nhiên, quyết định của Hạ viện không đồng nghĩa với việc sẽ không diễn ra bầu cử, bởi còn chờ cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện vào tối 6-9. Nhưng nhiều khả năng Thượng viện cũng sẽ phản đối Brexit không thỏa thuận. Nếu vậy, ông Johnson phải nhanh chóng tìm một thỏa thuận mới với EU và trình Quốc hội Anh, hoặc đề nghị liên minh hoãn thời hạn Brexit sau ngày 31-10 trong cuộc họp với các lãnh đạo của khối vào ngày 17-10.

Thủ tướng Johnson nói rằng, ông muốn có thỏa thuận với EU, theo đó cho phép Anh “rút lui có trật tự” khỏi khối sau 46 năm làm thành viên. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, ông vẫn muốn nước Anh rời EU đúng vào ngày 31-10. Tuy nhiên, EU khẳng định không nhận được bất kỳ đề xuất nào đáng tin cậy của Anh; đồng thời, một quan chức cấp cao của EU cho hay, London đã không đưa ra được điều gì có thể thuyết phục họ đàm phán lại về thỏa thuận Brexit.

Cũng theo hãng Bloomberg, sau 43 ngày làm Thủ tướng, ông Johnson đã  có nhiều tính toán sai lầm khiến đảng Bảo thủ rạn nứt, chính phủ bên bờ sụp đổ và chiến lược chính trị của ông trở thành “canh bạc” phản tác dụng. Báo USA Today nhận định, nỗ lực tìm kiếm bầu cử mới thất bại, qua đó minh chứng cuộc khủng hoảng sâu sắc của chính trị Anh. Chính trường của xứ sở sương mù càng lúc càng rối ren và chưa có lối thoát. Trong lúc này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến đến London để gặp gỡ Thủ tướng Johnson. Cũng như Tổng thống Donald Trump, ông Pence ủng hộ việc Anh nhanh chóng rời EU. Chính phủ Mỹ cũng hứa hẹn sẽ ký thỏa thuận thương mại với Anh thời hậu Brexit.

THIÊN BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.