Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 30-10, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 đã tổ chức phiên họp toàn thể về Báo cáo của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) với sự tham gia của đại diện của hơn 60 quốc gia.
Tại phiên họp, Chủ tịch ICJ, ông Abdulqawi Ahmed Yusuf cho biết trong năm nay, ICJ đã tuyên 3 bản án, ban hành 1 ý kiến tư vấn, 16 lệnh và tổ chức phiên xét xử cho 6 vụ kiện.
Hiện ICJ đang thụ lý 16 vụ kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp quốc tế như luật biển, phân định biển, quan hệ ngoại giao, lãnh sự, giải thích điều ước quốc tế.
Cũng theo Chủ tịch Yusuf, ICJ tiếp tục là cơ chế xét xử duy nhất có tính phổ cập toàn cầu, các bên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của ICJ gồm các nước đến từ nhiều châu lục, đồng thời việc xét xử được giải quyết trong thời gian ngắn và tiết kiệm chi phí.
Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định ICJ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua cơ chế xét xử các vụ kiện giữa các quốc gia và cơ chế cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số cơ quan theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đại sứ nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, khẳng định các quốc gia có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có cơ chế xét xử tài phán.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng hiện đang có xu hướng nhiều quốc gia đưa các vụ tranh chấp lãnh thổ và các vùng biển ra giải quyết tại ICJ.
Ông chia sẻ chủ trương của Việt Nam là ủng hộ các tiến trình pháp lý quốc tế, trong đó có ICJ.
Việt Nam đã đệ trình quan điểm quốc gia trong vụ việc tòa án này cho ý kiến tư vấn về hệ quả pháp lý của việc tách Quần đảo Chagos khỏi Mauritius hồi năm 1960.
Theo Vietnam+