Iraq vẫn chia rẽ và bất ổn

.

Tình trạng bất ổn và bạo lực đang xảy ra ở Iraq là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Adel Abdel Mahdi kể từ lúc ông nắm quyền cách đây 1 năm. Chính phủ Iraq vừa ban hành hàng loạt cải cách nhằm xoa dịu phản ứng của những người biểu tình.

Thành phố Sadr, phía nam Baghdad, chìm trong bạo lực vào tối 6-10 khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh.					      Ảnh: AP
Thành phố Sadr, phía nam Baghdad, chìm trong bạo lực vào tối 6-10 khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh. Ảnh: AP

Báo The Telegraph cho hay, 6 ngày diễn ra biểu tình khiến 110 người chết và hơn 7.300 người khác bị thương, bao gồm 6.107 người biểu tình và 1.200 thành viên lực lượng an ninh. Các cuộc đụng độ mới nhất giữa những người biểu tình chống chính phủ với lực lượng an ninh ở thành phố Sadr, phía đông thủ đô Baghdad vào đêm 6-10 (sáng 7-10, giờ Việt Nam) làm ít nhất 15 người chết.

Biểu tình bùng phát ở Baghdad vào ngày 1-10 xuất phát từ những lời kêu gọi trên mạng xã hội, nhằm yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi từ chức, phản đối điều kiện sống khó khăn, thiếu điện và nước, tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng và khả năng quản lý kém của các nhà lãnh đạo. Biểu tình nhanh chóng lan ra những thành phố ở phía nam - nơi có người Hồi giáo Shiite sinh sống và chuyển sang bạo lực.

Theo hãng AFP, ngày 7-10, lần đầu tiên quân đội Iraq thừa nhận đã sử dụng “lực lượng quá mức”, trong lúc các nhân chứng cáo buộc lực lượng an ninh đã dùng vòi rồng, hơi cay và đạn thật để đối phó trực tiếp với các cuộc biểu tình. “Lực lượng an ninh đã được điều động vượt quá quy định và chúng tôi bắt đầu truy cứu trách nhiệm của các chỉ huy quân đội - những người đã hành động sai trái”, tuyên bố của quân đội nêu rõ. Thủ tướng Mahdi ra lệnh các đơn vị cảnh sát liên bang thay thế quân đội ở khu vực có đông người Shiite, gần thủ đô Baghdad và cơ quan tình báo tiến hành điều tra về tình trạng bạo lực. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Maan nhấn mạnh, cuộc điều tra sẽ xác định ai đứng sau những vụ bạo loạn đẫm máu. Trong khi đó, thông tin từ báo The Independent cho rằng, các nhóm bán quân sự ở Iraq có quan hệ thân thiết với Iraq đã tham gia tấn công những người biểu tình ở Baghdad và những thành phố khác.

Bất ổn và bạo lực đang xảy ra là thách thức lớn nhất mà ông Mahdi phải đối mặt kể từ lúc trở thành Thủ tướng từ 1 năm trước. Sự việc cũng là thách thức lớn nhất về an ninh đối với Iraq sau khi quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này tuyên bố đánh bại IS vào năm 2017. Chính phủ của ông Mahdi vừa công bố hàng loạt cải cách nhằm tạo ra việc làm, phân chia đất đai, gia tăng phúc lợi xã hội và sa thải các quan chức tham nhũng. Chính phủ cũng thống nhất gia tăng nhà ở cho người nghèo, trợ cấp cho người thất nghiệp, các sáng kiến cho vay dành cho thanh niên… Thủ tướng Mahdi cam kết sẽ gặp gỡ những người biểu tình ở bất kỳ nơi đâu mà không có sự tham gia của lực lượng vũ trang, để lắng nghe yêu cầu của dân chúng. Khối của Giáo sĩ Moqtada al-Sadr trong Quốc hội cùng các phe phái chính trị khác cũng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Mahdi từ chức.

Bất ổn xảy ra trong lúc Iraq bị “mắc kẹt” trong căng thẳng giữa hai đồng minh là Mỹ và Iran. Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 7-10 kêu gọi người dân Iraq thể hiện sự kiềm chế, đồng thời tuyên bố Tehran luôn sát cánh với đất nước và chính phủ Iraq.  Một số quan chức Iran thậm chí cáo buộc Mỹ và Israel đang kích động tình trạng bất ổn ở Iraq.

Mặc dù Iraq có doanh thu hằng tháng từ dầu mỏ hơn 6 tỷ USD, nhưng tình trạng tham nhũng trong chính phủ lan rộng kể từ sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2013. Theo đó, rất ít đường sá, trường học, bệnh viện được xây mới; tình trạng thiếu điện, nước xảy ra thường xuyên ở một số thành phố.

Báo The Telegraph dẫn xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho hay, Iraq xếp thứ 12 trong số những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Iraq hiện là 25%.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.