Mỹ điều quân đến Saudi Arabia Thông điệp cứng rắn gửi Iran

.

Mỹ đang triển khai thêm 2.800 binh sĩ đến Saudi Arabia nhằm bảo vệ đồng minh trước mối đe dọa từ Iran.

Hãng AFP cho biết, 2.800 binh sĩ được điều đến Saudi Arabia bổ sung vào lực lượng 200 binh sĩ đã có mặt ở vương quốc này từ cuối tháng 9 sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm. Đợt bổ sung lực lượng mới nhất của Mỹ bao gồm 2 phi đội máy bay chiến đấu, 2 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và một hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Tàu Sabiti của Iran bị tên lửa tấn công, khiến tàu bốc cháy và tràn dầu ra Biển Đỏ hôm 11-10. Ảnh: AP
Tàu Sabiti của Iran bị tên lửa tấn công, khiến tàu bốc cháy và tràn dầu ra Biển Đỏ hôm 11-10. Ảnh: AP

Trao đổi với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, động thái này hướng đến tăng cường phòng thủ cho đồng minh và Iran phải chịu trách nhiệm về những vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Riyadh. “Đừng đe dọa các lợi ích của Mỹ, lực lượng Mỹ sẽ đáp trả”, người đứng đầu Lầu Năm Góc cảnh báo. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng xác nhận việc triển khai lực lượng đến Saudi Arabia nhằm bảo vệ các lợi ích của cường quốc này ở khu vực và răn đe Iran.

Mỹ gọi vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu Khurais và Abqaiq gây sốc cho thị trường năng lượng toàn cầu là “hành động chiến tranh”, nhưng cả Washington lẫn Riyadh hiện không có động thái đáp trả. Vụ việc đẩy căng thẳng leo thang ở khu vực vốn bất ổn trong thời gian gần đây với các vụ tấn công tàu chở dầu gần eo biển Hormuz. Cuối tháng 9, Mỹ đã điều khoảng 200 binh sĩ, một khẩu đội tên lửa đất đối không và một số radar tối tân đến Saudi Arabia nhằm “minh chứng cho cam kết của Washington đối với các đối tác ở Trung Đông”.

Bộ trưởng Esper nói rằng, từ tháng 5, Mỹ tăng 14.000 binh sĩ, nâng tổng số quân hiện diện ở Trung Đông lên 70.000 người, hầu hết được triển khai nhằm đối phó với những hành động của Iran. Ông Esper cũng thúc giục các đồng minh ở châu Âu tham gia sáng kiến của Mỹ nhằm bảo đảm sự ổn định cho Trung Đông, trong đó có sáng kiến liên minh an ninh trên biển.

Về phía Iran, nước này đang phản ứng gay gắt về vụ nổ tàu Sabiti chở dầu ở gần thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, khiến tàu bốc cháy và tràn dầu ra Biển Đỏ hôm 11-10. Tehran không nêu đích danh Saudi Arabia nhưng cho biết những tên lửa tấn công tàu Sabiti được bắn từ bờ biển của Riyadh và nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không bỏ qua vụ việc này. Trước đó, Tehran cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ hoặc Saudi Arabia cũng sẽ khơi mào cho “cuộc chiến tranh toàn diện”. Ngày 13-10, lãnh tụ tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei còn đề nghị Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phát triển các loại vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Saudi Arabia và Iran không sẵn sàng cho một cuộc chiến trực diện. Mỹ cũng chỉ gửi thông điệp cứng rắn đến Iran chứ không muốn đáp trả bằng hành động quân sự, dù Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo “đạn đã lên nòng”.

Trong lúc này, chuyến công du đặc biệt của Thủ tướng Pakistan Imran Khan đến Iran và Saudi Arabia mang lại chút ít hy vọng hóa giải căng thẳng. Chuyến thăm này là một phần sáng kiến thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực theo đề nghị của Mỹ và Saudi Arabia. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Iran tại thủ đô Tehran ngày 13-10, Thủ tướng Khan nhấn mạnh, Pakistan không muốn giữa Iran và Saudi Arabia xảy ra xung đột.

Pakistan là đồng minh thân thiết của Saudi Arabia nhưng giữ thái độ trung lập, không tham gia liên quân Arab do Riyadh dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi ở Yemen; đồng thời xem Iran là “người bạn láng giềng tốt”. Song, theo AFP, sứ mệnh trung gian hòa giải của Thủ tướng Khan không dễ dàng, bởi căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia kéo dài nhiều năm qua trong việc cạnh tranh sức ảnh hưởng ở khu vực.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.