Mỹ - Triều Tiên tìm tiếng nói chung về hạt nhân

.

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên nối lại đàm phán vào cuối tuần này tại Stockholm (Thụy Điển) nhằm tìm tiếng nói chung về vấn đề phi hạt nhân hóa, “dọn đường” cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố hình ảnh tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng ngày 2-10. Ảnh: KCNA/Reuters
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố hình ảnh tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng ngày 2-10. Ảnh: KCNA/Reuters

Hãng Yonhap dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, nếu các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10 và đàm phán cấp chuyên viên ngày 5-10 ở Stockholm có tiến triển sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối năm nay. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vừa phát biểu với báo giới rằng, Mỹ sẽ sớm đối thoại với Triều Tiên và đàm phán phi hạt nhân hóa được tiến hành theo kế hoạch, dù Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào ngày 2-10.

Tổng thống Trump không bình luận gì về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Còn Đại tá Patrick Ryder, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho biết, vụ thử mới nhất của Triều Tiên là loại tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn đến tầm trung được phóng đi từ bệ phóng trên biển, chứ không phóng từ tàu ngầm.

Cũng theo Yonhap, Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên Kim Myong-gil bày tỏ sự lạc quan về triển vọng các cuộc gặp gỡ tại Stockholm. “Khi Mỹ đưa ra một tín hiệu mới, tôi rất kỳ vọng và lạc quan về kết quả”, ông Kim Myong-gil nói. Trong khi đó, dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun. Các cuộc đàm phán lần này tập trung tìm tiếng nói chung về yêu cầu của hai bên, cụ thể Mỹ muốn Triều Tiên phải hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa, còn Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và bảo đảm an ninh cho nước này.

Song, Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, hai bên sẽ không dễ có tiếng nói chung sau nhiều tháng tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc và gia tăng căng thẳng. Đồng thời, dù Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã bị cách thức, nhưng sự vắng mặt của ông này trong chính phủ chưa hẳn giúp Washington thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân sớm hơn.

Sự kiện tại Stockholm là cuộc đàm phán chính thức cấp chuyên viên đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ gặp gỡ ở khu vực biên giới liên Triều vào ngày 30-6, với cam kết tái khởi động đối thoại. Kể từ đó, các quan chức Mỹ thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhưng không có dấu hiệu khả quan. Đến tuần này, Bình Nhưỡng tuyên bố đồng ý nối lại các cuộc gặp nhưng cũng chính quốc gia Đông Bắc Á đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, khiến Nhật Bản, Hàn Quốc - các đồng minh của Mỹ lo lắng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể sẽ tổ chức họp kín vào tuần tới để thảo luận về vấn đề Triều Tiên, theo đề xuất của Pháp, Đức và Anh.

GS. Ramon Pacheco Pardo tại Trường Đại học King ở London (Anh) cho rằng, Triều Tiên có thể tìm kiếm một tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh kỹ thuật vốn tồn tại từ Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953; mở văn phòng liên lạc với Mỹ và viện trợ kinh tế. Cũng theo GS. Pardo, việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của Triều Tiên bởi ông Kim Jong-un muốn Bình Nhưỡng nhận được những lợi ích vật chất từ Washington. “Triều Tiên muốn hủy các biện pháp trừng phạt, nhưng sẽ chỉ được dỡ bỏ một phần chứ không hoàn toàn”, ông Pardo nói và lý giải rằng Mỹ đang “nghiêm túc với tiến trình từng bước”.

Ngày 4-10, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, ông quyết tâm gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc, bất chấp việc Bình Nhưỡng vừa thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980 của thế kỷ trước, trong đó 8 người đã qua đời và 4 người khác chưa bao giờ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Song, Tokyo cho rằng, Triều Tiên bắt cóc 17 công dân Nhật Bản, trong đó 5 người đã được hồi hương. Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ theo đuổi vấn đề này cho đến khi tất cả những người bị bắt cóc trở về quê hương.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.