Triều Tiên phóng tên lửa trước giờ đàm phán

.

Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo không xác định ra ngoài khơi bờ biển phía đông nước này khi chỉ vài ngày nữa Bình Nhưỡng và Mỹ sẽ tiến hành đàm phán cấp chuyên viên.

Theo hãng tin Bloomberg, tên lửa được phóng từ thị trấn duyên hải Wonsan, đông bắc Triều Tiên, ra Biển Nhật Bản sáng 2-10. Tên lửa bay khoảng 450km ở độ cao tối đa 910km và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng, nước ông đã đạt được “khả năng tấn công hạt nhân hoàn hảo”. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (ICS) nhận định, đây là loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong có tầm bắn hơn 1.000km.

Triều Tiên đã phóng rất nhiều tên lửa kể từ tháng 5 đến nay.  Ảnh: KCNA/Reuters
Triều Tiên đã phóng rất nhiều tên lửa kể từ tháng 5 đến nay. Ảnh: KCNA/Reuters

Phát biểu trong cuộc họp báo khẩn cấp ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chỉ trích vụ phóng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Trong cuộc họp khẩn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Kono Taro nói rằng, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở vùng biển phía đông tỉnh Shimane và “đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia Nhật Bản”. Nếu thông tin này được xác nhận, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2017 đến nay tên lửa của Bình Nhưỡng rơi xuống rất gần lãnh thổ Nhật.

Trong khi đó, tại Seoul, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc cũng họp khẩn và bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không xác định vũ khí nói trên có phải là tên lửa tầm trung hay không, chỉ cho biết tên lửa đạn đạo đã bay xa hơn bất kỳ vũ khí tầm ngắn nào mà Bình Nhưỡng đã thử trong 10 lần trước, kể từ tháng 5 đến nay.

Hãng AP cho rằng, những tên lửa được phóng từ tàu ngầm khó bị phát hiện sớm. Lần thử vũ khí này nhằm gia tăng áp lực với Mỹ trước khi hai nước có các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10 và đàm phán cấp chuyên viên ngày 5-10. Học giả Du Hyeogn Cha tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul nhận định, Triều Tiên muốn gửi thông điệp: Thời gian không ủng hộ Mỹ và Bình Nhưỡng có thể đi “con đường khác” nếu đàm phán cấp chuyên viên không diễn ra theo hướng mà quốc gia Đông Bắc Á này mong muốn.  

Cũng theo AP, vụ phóng là cách Triều Tiên thể hiện sự không hài lòng khi Hàn Quốc lần đầu tiên ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vào ngày 1-10. Bình Nhưỡng gọi việc Hàn Quốc mua máy bay F-35 của Mỹ là hành động vi phạm các thỏa thuận liên Triều trong thời gian gần đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ, tiến hành đàm phán và thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hãng Bloomberg cho rằng, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo được thiết kế cho tàu ngầm là phép thử sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thời gian gần đây, ông chủ Nhà Trắng “xem nhẹ” những vụ thử vũ khí của Triều Tiên. Hồi tháng 9, ông Trump nói rằng, Washington và Bình Nhưỡng không có thỏa thuận nào về việc cấm thử tên lửa tầm ngắn. Thậm chí, nhà lãnh đạo Mỹ đã sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton - người có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng và việc hai nước nối lại đàm phán cấp chuyên viên là dấu hiệu “chuyển động đầu tiên” kể từ khi ông Trump cùng ông Kim Jong-un gặp gỡ tại khu vực biên giới liên Triều hồi cuối tháng 6.

Theo ông Moon Keun-sik, chuyên gia của Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo được thử ngày 2-10 có thể là Pukguksong-3, phiên bản nâng cấp của tên lửa Pukguksong-1. Tháng 8-2016, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-1 (KN-11) từ tàu ngầm lớp Sinpo có tải trọng 2.000 tấn ngoài khơi bờ biển phía đông.

Tên lửa này đã bay 500km ở độ cao tối đa khoảng 500-600km. Năm 2017, Bình Nhưỡng phóng tên lửa mặt đất Pukguksong-2 (KN-15). Còn vụ việc ngày 2-10 minh chứng những tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên trong cải tiến kỹ thuật phát triển vũ khí có khả năng tấn công Mỹ và các đồng minh của Washington từ các bệ phóng di động trên đất liền hoặc từ tàu ngầm.

Triều Tiên đã bổ nhiệm ông Jo Chol-su làm tân Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao nước này trong lúc chuẩn bị nối lại đàm phán phi hạt nhân với Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.