"Tối hậu thư" của Anh gửi EU

.

Kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Boris Johnson được xem là “tối hậu thư” của Anh gửi Liên minh châu Âu (EU). Song, vẫn còn nhiều bất đồng ở châu Âu và ở Anh xung quanh kế hoạch này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với nhiều sức ép về Brexit. 				       		   Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với nhiều sức ép về Brexit. Ảnh: Getty Images

Đề xuất của Thủ tướng Boris Johnson về việc giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU) được công bố tại Đại hội thường niên đảng Bảo thủ ở Manchester ngày 2-10. Ngày 3-10, ông Johnson đưa kế hoạch ra thảo luận tại nội các, sau đó trình Quốc hội với hy vọng giành đủ sự ủng hộ của các chính trị gia cứng rắn, có tư tưởng hoài nghi châu Âu. Trước đó, thỏa thuận Brexit của người tiền nhiệm Theresa May đã bị cơ quan lập pháp của Anh bác bỏ 3 lần, khiến bà phải từ chức.

Lần này, ông Johnson đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả hàng hóa, kèm theo cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này. Theo đó, Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi đến Bắc Ireland sẽ trải qua các khâu kiểm tra đúng với quy định của EU.

Bắc Ireland vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Anh nhưng nhằm tránh phải tạo ra các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London muốn thiết lập một hệ thống kê khai để các tiểu thương kê khai hàng hóa theo quy trình đơn giản, kèm theo cơ chế được tạm gọi là “các doanh nghiệp đáng tin cậy”.
Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Johnson nói rằng, EU đồng ý hay không với đề xuất nói trên thì Anh vẫn sẽ rời “mái nhà chung” vào ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Anh cũng cho EU 2 ngày để thảo luận về đề xuất mới và ông tuyên bố không bao giờ đồng ý việc hoãn Brexit hơn nữa.

Trong cuộc chạy đua với thời gian và đối mặt với “làn gió ngược” trên khắp châu Âu, Thủ tướng Johnson vẫn muốn tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc của cuộc khủng hoảng kéo dài 3,5 năm qua xung quanh vấn đề Brexit. Giới phân tích cho rằng, có 2 điểm đáng lưu ý trong kế hoạch của Thủ tướng Johnson. Thứ nhất, ông Johnson kiên quyết đưa Anh thoát khỏi sự ràng buộc của liên minh thuế quan châu Âu, qua đó thúc đẩy đàm phán các hiệp định tự do thương mại mới với các quốc gia trên thế giới. Thứ hai, có sự nhượng bộ đáng kể trong vấn đề Bắc Ireland mà ông Johnson gọi là “nhượng bộ hợp lý”, cụ thể là việc tách vùng lãnh thổ này khỏi Vương quốc Anh về mặt quy định hàng hóa trong một khoảng thời gian, điều mà trước đây đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) kiên quyết phản đối.
EU hoan nghênh một số nhượng bộ của Anh.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, động thái của chính phủ London khơi mào cho các cuộc đàm phán kéo dài 2 tuần hướng đến một thỏa thuận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10. Song, hãng  AFP cho biết, ông Juncker đã gọi điện cho Thủ tướng Johnson để bày tỏ quan ngại về “những điểm có vấn đề” trong đề xuất, nhất là cơ chế hải quan nhằm tránh việc kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. EC vốn khẳng định điều khoản “chốt chặn” là cần thiết để bảo vệ cùng lúc hòa bình ở Bắc Ireland và sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU.

Theo Bộ trưởng Brexit Steve Barclay, tất cả các bên (EU và Anh) sẽ bắt đầu thảo luận về đề xuất mới để có cơ hội đạt được thỏa thuận. “Phản ứng của EC cho thấy họ công nhận đây là đề xuất nghiêm túc và tôi nghĩ tất cả các bên đều muốn có một thỏa thuận… Hãy để Brexit diễn ra”, ông Barclay nói. Tuy nhiên, Chủ tịch đảng Brexit Nigel Farage cho rằng, không có gì bảo đảm việc Anh sẽ rời liên minh thuế quan và bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong tương lai cũng cần thiện chí từ EU. Còn Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn không tin đề xuất mới của Thủ tướng Johnson sẽ được EU thông qua. Thậm chí, ông Corbyn nói: “Kế hoạch này còn tệ hơn thỏa thuận của bà May”.

Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar hoài nghi về các đề xuất mới của Anh, cho rằng kế hoạch được xem là “tối hậu thư” này không đáp ứng hoàn toàn các mục tiêu về biên giới giữa nước ông với Bắc Ireland. Theo ông Guy Verhofstadt, đứng đầu nhóm Brexit trong Nghị viện châu Âu, hầu như mọi thành viên của EC đều thờ ơ bởi đề xuất không cung cấp đủ sự bảo đảm cho Ireland. Ông Verhofstadt cũng nói rằng, kế hoạch mới của Anh không đánh dấu nỗ lực nghiêm túc, mà chẳng qua London muốn đổ lỗi thất bại của Brexit cho EU.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.