Trung Quốc nuôi lợn to như gấu Bắc Cực để đối phó khủng hoảng thịt lợn

.

Tại một trang trại nằm sâu ở miền Nam Trung Quốc, một con lợn to lớn, nặng ngang gấu Bắc Cực đang sục sạo ăn uống trong chuồng.

Một người khách cưỡi lên con lợn nặng 750kg tại trang trại ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ảnh: AP
Một người khách cưỡi lên con lợn nặng 750kg tại trang trại ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ảnh: AP

Con vật nặng 500kg là một phần trong đàn lợn được lai tạo để trở thành những con lợn khổng lồ. Khi xuất chuồng, một số con lợn có thể bán được hơn 10.000 Nhân dân tệ (1.400 USD), gấp ba lần thu nhập trung bình hàng tháng ở Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, nơi có trang trại lợn của ông Pang Cong.

Theo Bloomberg, mặc dù đàn lợn của ông Pang có thể là một ví dụ cực đoan về thời gian nông dân Trung Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn, nhưng ý tưởng “càng to càng tốt” đã lan rộng khắp đất nước, quê hương của những người tiêu dùng thịt phàm ăn nhất thế giới.

Con lợn mẫu khổng lồ của ông Pang còn nặng hơn một số con gấu Bắc Cực trưởng thành. Trong khi đó, tại tỉnh Cát Lâm, phía Đông Bắc Trung Quốc, giá thịt lợn cao đang khiến nông dân nuôi những con lợn đạt trọng lượng trung bình từ 175-200kg, nặng hơn nhiều so với bình thường là 125kg. "Họ muốn nuôi những con lợn lớn nhất có thể", ông Zhao Hailin, một chủ chăn nuôi lợn trong khu vực, nói.

Xu hướng nuôi lợn khổng lồ không giới hạn ở các trang trại nhỏ. Các nhà sản xuất thịt lớn ở Trung Quốc bao gồm Wens Foodstuffs – nhà cung cấp chăn nuôi lợn hàng đầu của đất nước - Cofco Meat và Bắc Kinh Dabeinong Technology cho biết họ đang cố gắng tăng trọng lượng trung bình của lợn.

Nông dân Trung Quốc đang nỗ lực gây dựng lại đàn lợn. Ảnh: SCMP
Nông dân Trung Quốc đang nỗ lực gây dựng lại đàn lợn. Ảnh: SCMP

Các trang trại lớn tập trung vào việc tăng cường trọng lượng lợn ít nhất 14%, theo Lin Guofa, một nhà phân tích cao cấp của Công ty Tư vấn Nông nghiệp Bric. Trọng lượng trung bình của lợn khi giết mổ tại một số trang trại quy mô lớn đã tăng lên tới 140kg, so với thông thương là khoảng 110kg, ông Lin cho biết. Nhờ đó họ có thể tăng lợi nhuận hơn 30%.

Những giống lợn to đang được nhân giống trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tiêu diệt gần nửa đàn lợn ở Trung Quốc. Theo một số ước tính, giá thịt lợn đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khiến chính phủ phải thúc giục nông dân đẩy mạnh sản xuất để giảm lạm phát.

Xem video Trung Quốc tiêu hủy hàng triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi (Nguồn: Global Times)

 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cảnh báo rằng tình hình nguồn cung sẽ cực kỳ nghiêm trọng cho đến nửa đầu năm 2020. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay - nhiều hơn lượng thịt có sẵn trong thương mại toàn cầu - có nghĩa là sẽ cần tăng cường sản xuất trong nước, ông Hồ nói.

Trong chuyến thăm gần đây tới các tỉnh chăn nuôi lớn như Sơn Đông, Hà Bắc và Hà Nam, ông Hồ Xuân Hoa kêu gọi chính quyền địa phương tiếp tục sản xuất lợn càng nhanh càng tốt, với mục tiêu đưa tình hình cung cấp trở lại bình thường vào năm tới.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn thận trọng với việc phục hồi đàn lợn sau khi bị tổn thương do dịch bệnh bùng phát trước đó. Giá lợn con và lợn nái cũng tăng mạnh, khiến chi phí tái đàn của các trang trại trở nên đắt đỏ hơn. Việc tăng kích thước và trọng lượng những con lợn mà họ đã sở hữu có thể là bước tốt nhất tiếp theo.

Một giải pháp khác của Trung Quốc nhằm đối phó với thiếu hụt nguồn cung thịt lợn là nhập khẩu thịt. Thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 80% trong tháng 8 và 150% trong tháng 9 vừa qua để bù đắp khoảng trống do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Tẩy trùng phòng dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tẩy trùng phòng dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Cơn đói” thịt lợn cũng là một lý do khiến Bắc Kinh không đưa thịt lợn Mỹ vào danh sách đánh thuế bổ sung, từ đó giúp giảm căng thẳng thương mại và mở đường cho việc nối lại đàm phán.

Chen Wenling, nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc sẽ chắc chắn tăng lượng thịt lợn nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước khác. Tổng cộng, nước này đã nhập khẩu 85.700 tấn thịt lợn từ Mỹ vào năm ngoái, mặc dù con số đó chỉ chiếm 0,16% trong toàn bộ thịt lợn nhập khẩu.

Theo số liệu từ Chính phủ Trung Quốc, nước này đã mất 38,7% đàn lợn sống vào cuối tháng 8 do dịch. Tuy nhiên, nghiên cứu độc lập cho thấy rằng tác động có thể còn lớn hơn, tới 60%. Số lượng lợn nái cũng đã giảm 37,4%, theo dữ liệu chính thức, cho thấy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi nó cải thiện trong thời gian tới. Giá thịt lợn tăng vọt, gây ra sự lo ngại và giận dữ trên mạng xã hội. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn trong tuần trước tại Trung Quốc đã tăng 80,9%, theo dữ liệu của chính phủ.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.