Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 11-11 nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (trái), Ngoại trưởng Malta Carmelo Abela (giữa) và người đồng cấp Bulgaria Ekaterina Zaharieva gặp gỡ trong cuộc họp bàn về chương trình hạt nhân của Iran tại Brussels (Bỉ) ngày 11-11. Ảnh: AP |
Việc Iran bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium làm châu Âu lo lắng, bởi động thái của Tehran có thể làm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) sụp đổ. Hãng AP cho biết, nhóm họp tại Brussels ngày 11-11, các ngoại trưởng EU bày tỏ mong muốn cứu vãn JCPOA nhưng vẫn muốn chờ báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran.
Xem JCPOA là một thành phần quan trọng của an ninh khu vực và toàn cầu nên EU tìm cách duy trì thỏa thuận này kể từ khi Mỹ rút lui cách đây hơn 1 năm và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Phát biểu với báo giới ở Brussels, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak nhấn mạnh: “Đó là một thỏa thuận tuyệt vời và chúng tôi cần giữ thỏa thuận này tồn tại”. Theo AP, hiện chưa rõ EU có thể làm được gì khi kinh tế của Iran chịu thiệt hại nặng nề từ lệnh trừng phạt. Đến nay, EU chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung, phản đối việc trừng phạt và kêu gọi đối thoại.
Thực ra, châu Âu đã có một số động thái nhằm cứu vãn JCPOA. Chẳng hạn, châu Âu lập phương tiện phục vụ mục đích đặc biệt (SPV), sau đó được đặt tên là INSTEX, nhằm hỗ trợ việc trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran và tránh lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cơ chế này không hiệu quả bởi không thể giúp khôi phục thương mại với Iran và chỉ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ liên quan lương thực, dược phẩm và nhân đạo, không sử dụng trong các giao dịch liên quan dầu mỏ.
Một số ngoại trưởng kêu gọi châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng đối với Iran. Song, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn không tán đồng. “Trừng phạt, trừng phạt, trừng phạt. Chúng ra không giải quyết vấn đề theo cách đó”, ông Asselborn nói và đề nghị chờ báo cáo của IAEA.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok bày tỏ lo lắng về việc Iran bơm khí uranium vào 1.044 máy ly tâm tại cơ sở Fordow. Theo JCPOA, Iran thống nhất đưa cơ sở Fordow thành trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, còn 1.044 máy ly tâm tại đây sẽ được dùng cho các mục đích khác chứ không làm giàu uranium.
Theo AP, những nỗ lực của châu Âu dường như không đủ để thuyết phục Iran. Ngày 11-11, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết, Tehran đang sản xuất uranium được làm giàu ở cấp thấp mỗi ngày, cụ thể là ít nhất 5,5 kg/ngày, so với con số 450 gam/ngày mà nước này sản xuất trước đây. “Tôi tin rằng, tổng cộng 5,5 kg uranium được làm giàu mỗi ngày ở hai cơ sở Natanz và Fordo”, ông Salehi nói với AP. Iran tuyên bố đang làm giàu uranium tới 4,5%, dù vượt ngưỡng quy định trong thỏa thuận nhưng vẫn thấp hơn mức 20% mà Tehran từng thực hiện và thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, nếu cứu thỏa thuận hạt nhân, phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran và nước này có thể mua bán vũ khí với thế giới.
Cũng trong ngày 11-11, Iran khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân thứ 2 của nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở miền nam Iran được Nga hỗ trợ xây dựng đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011. JCPOA đặt ra các hạn chế đối với lò phản ứng hạt nhân và Iran có thể phát triển và sản xuất nhiên liệu hạt nhân, nhưng không yêu cầu nước này ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện.
Theo hãng AFP, sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo về việc phát hiện một mỏ dầu mới chứa 53 tỷ thùng dầu thô ở tỉnh Khuzestan, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijasn Namdar Zanganeh ngày 11-11 cải chính rằng, chỉ có thể khai thác 10% lượng dầu tại mỏ này, tương đương 2,2 tỷ thùng. |
PHÚC NGUYÊN