Châu Âu xem Trung Quốc là đối tác toàn cầu

.

Những ngày qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mặt ở Trung Quốc với thông điệp châu Âu xem Bắc Kinh là đối tác toàn cầu, trong lúc mối quan hệ giữa “lục địa già” với Mỹ đang rạn nứt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tìm giải pháp cho các vấn đề như biến đổi khí hậu, căng thẳng thương mại hay chương trình hạt nhân của Iran, thay vì chờ động thái từ Mỹ, ông đã đến Bắc Kinh trong 3 ngày. Đây là lần thứ hai ông Macron thăm Trung Quốc trên cương vị nhà lãnh đạo Pháp.

Hãng AP cho rằng, chuyến thăm của ông Macron minh chứng nguy cơ Mỹ phải đứng bên lề trên trường quốc tế dưới thời Tổng thống Donald Trump, người theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”. Một trong những ví dụ cụ thể là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thưởng thức rượu vang Pháp tại hội chợ hàng nhập khẩu ở Thượng Hải cùng Tổng thống Macron. Ông chủ Điện Élysée còn thúc đẩy việc mở rộng thị trường Trung Quốc cho các sản phẩm của châu Âu, giữa lúc Mỹ áp thuế với hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD đến từ “lục địa già”, trong đó có rượu vang Pháp, thép, nhôm và nông sản.

Trong chuyến công cán của ông Macron, Trung Quốc và Pháp cũng đã ký kết 19 thỏa thuận và 24 hợp đồng thương mại với tổng trị giá 15 tỷ USD liên quan các lĩnh vực hàng không, năng lượng và nông nghiệp. Ông Tập Cận Bình nói rằng, hai nhà lãnh đạo gửi “tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về việc theo đuổi chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại, cũng như hợp tác để xây dựng nền kinh tế mở”. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương không ngừng gia tăng.

Hơn nữa, sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định thỏa thuận này là không thể đảo ngược, đồng thời phát “Lời kêu gọi Bắc Kinh” về việc gia tăng hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Sự lựa chọn biệt lập của một quốc gia không thể thay đổi tiến trình của thế giới”, ông Macron nói.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc vào tháng 1-2018, Tổng thống Macron cam kết mỗi năm sẽ trở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để nỗ lực thiết lập “niềm tin lẫn nhau”. Sau đó, ông Tập Cận Bình đến Pháp và vào tháng 3-2018, Trung Quốc ký thỏa thuận mua 300 máy bay Airbus. Lần này đến Trung Quốc, ông Macron xây dựng hình ảnh của mình là “đại sứ” của châu Âu trong lúc mối quan hệ truyền thống giữa “lục địa già” với Mỹ đang rạn nứt. Không những thế, ông còn mang theo một chương trình nghị sự dày đặc liên quan việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran… Ông Macron đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giảm căng thẳng khi châu Âu đang tìm cách thuyết phục Iran tuân thủ trở lại những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.

Pháp hiện đứng thứ tư trong EU về đầu tư vào Trung Quốc và đứng thứ ba trong khối về thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Tổng thống Macron không giấu mong muốn tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc mặc dù giữa hai nước vẫn có những khác biệt; còn Bắc Kinh dĩ nhiên cũng cần Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Pháp - nền kinh tế đầu tàu của khối này. Các nhà phân tích nhận định, chính cuộc chiến thuế quan của Mỹ khiến Trung Quốc xích lại gần Pháp và các quốc gia châu Âu khác hơn nữa. Trung Quốc đang rót các khoản đầu tư lớn vào Trung và Đông Âu. Trao đổi thương mại giữa Pháp và Trung Quốc đạt 62,9 tỷ USD trong năm 2018.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.