Mỹ vẫn muốn ký thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc vào tháng 11 mặc dù hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) không diễn ra như dự kiến tại Santiago (Chile).
Mỹ và Trung Quốc dự kiến ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Bất ổn xã hội lớn nhất ở Chile trong một thế kỷ qua khiến nước này hủy bỏ việc đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến vào ngày 16 và 17-11 tại Santiago cũng như hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 25) từ ngày 2-12 đến 13-12, để tập trung khôi phục luật pháp và trật tự của quốc gia Nam Mỹ. Hiện chưa rõ hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay sẽ diễn ra khi nào và ở đâu bởi APEC không có kế hoạch tổ chức ở một nơi nào đó thay thế.
Theo hãng tin Bloomberg, Nhà Trắng vẫn thúc đẩy thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc vào tháng 11, nhưng chưa cho biết địa điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ. Trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ kỳ vọng sẽ ký “giai đoạn 1” của thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Santiago sau 18 tháng leo thang căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế. Theo ông Matthew Goodman, cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược có trụ sở ở Washington, Nhà Trắng rõ ràng thể hiện muốn thúc đẩy cuộc gặp song phương Trump - Tập.
Về phía Trung Quốc, trong tuyên bố ngày 31-10, Bộ Thương mại nước này khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán song phương theo kế hoạch, các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Bắc Kinh và Mỹ sẽ đàm phán trở lại qua điện đàm vào ngày 1-11. Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 31-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, hai đoàn đàm phán xác nhận đã cơ bản hoàn tất các tham vấn về kỹ thuật đối với một phần của thỏa thuận.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Ngụy Kiến Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc phát biểu tại Singapore ngày 31-10: “Tôi nghĩ việc hủy hội nghị APEC sẽ không có bất kỳ tác động nào đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Địa điểm có thể ở Trung Quốc, Mỹ, hoặc một bên thứ ba”.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang kể từ tháng 7-2018 khi hai nước liên tục bổ sung các mức áp thuế hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Mới đây, Tổng thống Trump tạm hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt khiến đàm phán bế tắc là việc Mỹ ép Trung Quốc mua nông sản với tổng giá trị 50 tỷ USD (gấp đôi lượng mua trung bình hằng năm), trong khi Bắc Kinh chưa sẵn sàng cam kết mua số lượng lớn và đưa ra khung thời gian cụ thể. Một quan chức thuộc một công ty nhà nước Trung Quốc lý giải, nếu nông sản của Mỹ được nhập vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một cách tập trung thì có thể gây khó khăn cho việc tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc dư thừa nguồn cung sẽ tác động mạnh đến giá cả và phá vỡ cân bằng cung - cầu.
Giữa tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đồng ý mua từ 40-50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, gấp đôi so với con số 24 tỷ USD mà Bắc Kinh chi trong năm 2017. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ không xảy ra và Trung Quốc có cam kết mua 50 tỷ USD nông sản của Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ dỡ bỏ các rào cản lớn về kỹ thuật cũng như chính trị.
Năm 2012 và 2013, các đợt hạn hán ở Mỹ khiến giá nông sản tăng cao kỷ lục, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không vượt quá 26 tỷ USD. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Mỹ của Trung Quốc chỉ còn 19,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch nhập khẩu đậu tương là 12 tỷ USD, nhưng con số này giảm 3 tỷ USD trong năm 2018.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 30-10 nói rằng, cần có thời gian để Trung Quốc nâng mức nhập khẩu nông sản Mỹ từ 40 tỷ USD lên 50 tỷ USD mỗi năm nếu hai bên hoàn tất thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”.
Mỹ dự kiến đề xuất một số địa điểm thay thế Santiago (Chile) để có thể tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết, đó có thể là Alaska và Hawaii (Mỹ). Trong khi đó, Trung Quốc đề nghị lựa chọn Macau làm nơi gặp gỡ của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. |
PHÚC NGUYÊN