Nhật Bản muốn Ấn Độ tham gia RCEP

.

Ngày 5-11, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Kajiyama Hiroshi cho biết, Tokyo sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) có sự tham gia của Ấn Độ. Khẳng định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi RCEP vì còn một số vấn đề chưa được tháo gỡ.

Phát biểu với báo giới ở Tokyo, Bộ trưởng Kajiyama nhấn mạnh, Nhật Bản muốn đóng vai trò dẫn dắt để sớm hướng đến thỏa thuận giữa 16 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, và RCEP sẽ được ký kết vào năm 2020. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết, 15 quốc gia sẽ ký RCEP vào năm tới và hoan nghênh Ấn Độ tham gia trở lại nếu nước này sẵn sàng.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào tối 4-11, các nhà lãnh đạo 15 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đồng ý các điều khoản của RCEP. Bà Vijay Thakur Singh, nhà ngoại giao cấp cao phụ trách Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, New Delhi rút lui sau khi xem xét tác động của RCEP đến người dân thường và kế sinh nhai của họ, bao gồm những người nghèo nhất. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, các vấn đề và lo ngại của nước ông chưa được giải quyết nên New Delhi không thể tham gia RCEP. Các nhà quan sát cho rằng, Ấn Độ lo ngại các doanh nghiệp nhỏ của nước này sẽ bị hàng giá rẻ từ Trung Quốc bóp nghẹt.

Khi được ký kết, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.