Nếu được hiện thực hóa, RCEP sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng, chiếm 29% GDP toàn cầu và 40% thương mại của thế giới.
Hội nghị Cấp bộ trưởng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) diễn ra tại Thái Lan. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN) |
Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhóm họp tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha ngày 4-11 đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi ích kinh tế, bất chấp việc Ấn Độ thông báo chưa tham gia.
Được khởi xướng từ năm 2012, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 6 đối tác mà ASEAN có hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand với mục tiêu thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Thái Lan mong muốn các cuộc đàm phán RCEP kéo dài 7 năm qua với rất nhiều phiên họp kết thúc trong năm nay khi nước này là Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Nguyên nhân khiến RCEP bị trì hoãn nhiều lần chủ yếu là do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, ví dụ như giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc…
Trải qua 29 vòng đàm phán chính thức và hàng chục cuộc đối thoại giao thoa, cùng nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan ở thủ đô Bangkok và tỉnh Nonthaburi lân cận, các nước tham gia RCEP đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường.
Lãnh đạo các nước RCEP khẳng định trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang thay đổi, hiệp định này sẽ làm gia tăng đáng kể những triển vọng tăng trưởng trong tương lai của khu vực; đồng thời đóng vai trò là một trụ cột hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy phát triển trong các nền kinh tế trên khắp khu vực.
Ấn Độ và bài toán mâu thuẫn lợi ích
Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 vào cuối tháng 6/2019 ở Bangkok, dường như đã có cơ hội hoàn tất RCEP vào cuối năm nay theo đúng kỳ vọng của nước chủ nhà Thái Lan.
Hầu hết các chương của hiệp định trên bàn đàm phán được hoàn tất một cách khẩn trương, với mong muốn liên kết ba nền kinh tế lớn nhất của châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm mang lại những lợi ích tương hỗ cho hòa bình và ổn định của khu vực thông qua thương mại tự do hơn.
Nếu được hiện thực hóa, RCEP sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng, chiếm 29% GDP toàn cầu và 40% thương mại của thế giới.
Con số này được cho là lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018, với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Thế nhưng, việc thoái lui của Ấn Độ đã ngáng đường RCEP. Trong thời gian chuẩn bị diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, tình hình chính trị và kinh tế chính trị của Ấn Độ đã thay đổi.
Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi giành được phần lớn ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 4-5-2019.
Tự do hóa thương mại theo xu hướng RCEP trở nên kém hấp dẫn do nền kinh tế Ấn Độ phải đối mặt với thâm hụt thương mại với nhiều nước tham gia hiệp định, đặc biệt là Trung Quốc.
Các trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN) |
Trong khi đó, những ý kiến ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ vẫn rất mạnh ở cấp địa phương và được những người theo chủ nghĩa dân tộc của BJP hậu thuẫn.
Những lo ngại của Ấn Độ chủ yếu liên quan đến vấn đề thuế, đặc biệt là trong bối cảnh ngành nông nghiệp ở đất nước Nam Á này đóng góp 15% vào GDP và cung cấp việc làm cho 43% lao động.
Ấn Độ cho rằng việc giảm thuế quan hoặc các rào cản đầu tư có thể kìm hãm khả năng phát triển của các ngành sản xuất trong nước, lo ngại các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị bóp nghẹt bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc khi mà nước này đang chịu mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới mức 58 tỷ USD vào năm 2018.
Khi RCEP không có Ấn Độ
Việc Ấn Độ thoái lui có nghĩa là RCEP giờ đây là một khối thương mại của 15 nước, với quy mô nhỏ hơn do quốc gia đông dân thứ hai thế giới này chiếm 10% tổng GDP và gần 40% quy mô thị trường của RCEP.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc RCEP không còn là một khối thương mại bao trùm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà là một hiệp định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với đầu tàu là hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo nhận định của Phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, đối với Trung Quốc, RCEP là một "cú hích" vì nước này đang phải đối mặt với những thách thức do những căng thẳng với Mỹ về thương mại song phương và công nghệ.
Trong khi đó, Nhật Bản muốn RCEP thành công vì muốn làm sâu sắc hơn vai trò thương mại trong khu vực.
Đối với ASEAN, RCEP không chỉ mang lại tự do hóa thương mại để thúc đẩy cải cách trong nước mà còn là động lực chính trị để thúc đẩy vai trò trung tâm của khối như là nền tảng chính cho chủ nghĩa khu vực châu Á.
Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 nói rằng Ấn Độ có những vấn đề lớn còn tồn tại và chưa thể giải quyết.
Tất cả các nước tham gia RCEP sẽ làm việc với nhau để giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo một cách thức làm các bên cùng thỏa mãn và quyết định cuối cùng của Ấn Độ sẽ phụ thuộc và giải pháp được đưa ra.
Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post, phó giáo sư Thitinan nhận định đây sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ của Ấn Độ, nếu New Delhi quay lưng lại với RCEP vĩnh viễn.
Bất kể Ấn Độ có quay trở lại hay không, các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, giờ đây phải cố gắng làm cho RCEP và CPTPP có hiệu quả hơn.
Việt Nam và Malaysia có lợi thế nhất vì là thành viên của cả hai hiệp định. Thái Lan cần phải cố gắng tham gia CPTPP vì đã để lỡ "chuyến tàu" do thiếu ổn định chính trị trong nước và không có tính liên tục trước đây.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bangkok bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan từ 2-4-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết riêng với Việt Nam, sau khi thực thi CPTPP từ tháng 1/2018 và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6-2019, việc kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP.
Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với các nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định./.
Theo TTXVN/Vietnam+