Thành phố du lịch Venice nổi tiếng bậc nhất thế giới hôm 15-11 một lần nữa phải chứng kiến mức kỷ lục mới về triều cường.
Tình hình này xảy ra chỉ 3 ngày sau đợt lũ đỉnh điểm hôm 12-11 khiến Chính phủ Italy phải ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp.
Quảng trường Saint Marc đã phải đóng cửa, trong khi các bảo tàng và nhà hát cũng không thể hoạt động trở lại vào ngày hôm qua như kế hoạch.
Venice ngập nước. Ảnh: Guardian. |
Sau một ngày nước rút, hôm 15-11, thị trưởng Venice Luigi Brugnaro, đã phải ra lệnh đóng cửa quảng trường Saint Marc nhằm tránh nguy cơ về sức khỏe cộng đồng, đồng thời gọi những gì mà thành phố đang trải qua là “một thảm họa”.
Nhà lãnh đạo này đồng thời thông báo mở một tài khoản ngân hàng để kêu gọi sự ủng hộ của tất cả những người, cả ở trong và ngoài nước, muốn tham gia vào việc sửa chữa các công trình bị hư hại do nước lũ.
Sau khi rút xuống dưới 1m một ngày trước đó, triều cường hôm 15-11 đã dâng lên 1m54, trong khi mưa lớn và gió mạnh dự báo sẽ còn tiếp tục tại khu vực. Cũng giống như nhiều công trình văn hóa khác tại Venice, viện bảo tàng Guggenheim dự kiến mở cửa lại trong ngày hôm qua đã buộc phải thay đổi kế hoạch do điều kiện thời tiết diễn biến xấu, trong khi các trường học tiếp tục phải cho học sinh nghỉ học.
Con đường duy nhất đến ga xe lửa Venice cũng bị ngập với độ sâu hơn 20cm. Vì vậy, hành khách phải vào và rời nhà ga qua những cây cầu tạm.
Triều cường dân cao cũng ảnh hưởng đến lịch trình của nhiều khách du lịch: “Khách sạn mà tôi đang ở đã bị ngập. Những ngày qua, chúng tôi đã cùng nhau dọn nước, song mực nước vẫn còn quá cao. Vì vậy, tôi đã quyết định rời đi”.
Trước đó hôm 12-11, thành phố đã phải chứng kiến triều cường dâng cao nhất trong hơn 50 năm trở lại đây (1m87). Đây là kỷ lục thứ 2 sau mức 1m94 của năm 1966. Do ảnh hưởng của triều cường, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và nhiều công trình văn hóa có nguy cơ bị hư hại.
Bà Milva, chủ một cửa hàng nhỏ cho biết: “Tôi đã phải di chuyển hàng hóa và đồ đạc trong cửa hàng ra khu vực sân sau cao hơn. Nếu không làm thứ thì mọi thứ sẽ bị hư hỏng hết và sẽ phải bỏ đi”.
Chính phủ Italy trước đó đã thông qua lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp ở Venice và quyết định dành 20 triệu euro “cho những can thiệp khẩn cấp nhất”. Biện pháp này thường được đưa ra trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất, núi lửa hay lở đất, cho phép chính phủ huy động các quyền hạn và phương tiện đặc biệt.
Theo Thủ tướng Giuseppe Conte, thiệt hại do triều cường gây ra tại Venice có thể lên tới hàng triệu euro. Ngay sau khi có đánh giá cụ thể, chính phủ sẽ hỗ trợ ngay lập tức 5.000 euro cho các cá nhân và 20.000 euro cho các doanh nghiệp. Chính phủ Italy cũng đang đẩy nhanh siêu dự án đập chắn MOSE gồm 78 cổng cơ động giúp ngăn cách Venice với biển Adriatic khi thủy triều lên cao, ngăn chặn nguy cơ thành phố của Italy này bị nước nhấn chìm. Dự kiến dự án sẽ đi vào sử dụng vào mùa Xuân năm 2021./.
Theo VOV1